ĐBQH “đẩy” trách nhiệm cưỡng chế nợ thuế cho ngân hàng thương mại?

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 31/05/2019 13:15 PM (GMT+7)
Do các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có hai nguồn bù đắp là bảo hiểm tiền gửi và quỹ trích lập rủi ro khách hàng, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đề xuất, cần xử lý nợ đọng thuế bằng phương pháp trích tiền của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và bên thứ ba nắm giữ tài sản của các cá nhân, tổ chức.
Bình luận 0

img

ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, sáng 31/5, các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Chia sẻ về giải pháp tăng nguồn thu NSNN, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đề xuất, cần xử lý nợ đọng thuế bằng phương pháp trích tiền của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và bên thứ ba nắm giữ tài sản của các cá nhân, tổ chức.

Theo đại biểu Hạnh, hiện nay, tổng nợ đọng thuế trên cả nước là 83.000 tỷ đồng. Trong đó, có 37.000 tỷ đồng không có khả năng thu hồi, 46.000 tỷ đồng có khả năng thu hồi. Nếu giải quyết được nợ đọng thuế, sẽ giúp tăng thu NSNN và có nguồn đầu tư phát triển xã hội.

“Thực tế, nhiều năm các địa phương gặp vướng mắc khi việc cưỡng chế thu thuế trước bằng tiền ở ngân hàng, các tổ chức tín dụng gần như không thực hiện được vì có biểu hiện xung đột lợi ích.

Theo phân tích của các chuyên gia, Nhà nước không thu được thuế thì thất thu, còn ngân hàng, tổ chức tín dụng và bên thứ ba chưa thu hồi được vốn thì vẫn không bị mất vốn do có hai nguồn bù đắp là bảo hiểm tiền gửi và quỹ trích lập rủi ro khách hàng. Nếu nguồn này không sử dụng hết sẽ chuyển thành lợi nhuận của các ngân hàng và tổ chức tín dụng”, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh nói.  

Từ thực tế đặt ra, đại biểu Hạnh đề xuất, Chính phủ phải có quy định cụ thể thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện cưỡng chế nợ đọng thuế. Thứ nhất, cần giải quyết chính sách lương cho người lao động trước. Thứ hai, đến thu nợ thuế. Thứ ba, trả nợ các khoản vay cho ngân hàng và cuối cùng là các khoản khác.

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Phát biểu sau ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý thu, chống thất thu NSNN đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2018, cơ quan thuế đã thực hiện 5.940 cuộc thanh tra thuế, kiến nghị xử lý thu NSNN gần 19.000 tỷ đồng, giảm lỗ 40.900 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thực hiện 6.900 cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan, phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 15.000 cuộc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Vì vậy, số nợ đọng thuế năm 2018 đã giảm về số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng thu NSNN. Số nợ thuế có khả năng thu giảm từ mức 45.000 tỷ đồng trong năm 2017 xuống 38.700 tỷ đồng. Số nợ thuế không có khả năng thu hồi tính tới cuối năm 2018 là 37.570 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017, chiếm 49,2% tổng nợ.

“Đây là nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã giải thể, không còn tài sản thu hồi nhưng vẫn phải tính tiền phạt, chậm nộp với tỷ lệ 0,03%/ngày nên số nợ tăng lên. Theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo Nghị quyết về xoá nợ đọng thuế. Nếu không có gì thay đổi, sẽ tình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế trong năm 2018, bao gồm khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực khu vực doanh có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, ông Dũng cho biết, năm 2018, dù kinh tế khởi sắc xong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó. Theo thống kê, năm 2018 có 131.000 danh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có 107.000 doanh nghiệp mới thành lập tạm ngừng hoạt động, bằng 81,4%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp mới thành lập chủ yếu là vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, các đơn vị này được hưởng ưu đãi thuế nên đóng góp vào thu ngân sách Nhà nước là không nhiều.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nêu lên con số, số doanh nghiệp báo lãi chỉ chiếm 40% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai thuế. Số doanh nghiệp phát sinh thuế giá trị gia tăng dương, tức là đầu ra lớn hơn đầu vào, chiếm khoảng 26% tổng số doanh nghiệp kê khai.

Một trong những lý do khác, theo ông Đinh Tiến Dũng, là một số doanh nghiệp có số thu lớn tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm như: doanh nghiệp khai khoáng, khai thác dầu thô, khai thác khí đốt tự nhiên và sản xuất điện thoại di động.

Riêng với nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhắc tới việc dự toán thu cao hơn khả năng thực tế. Ông thống kê, so với thực hiện năm 2017, dự toán thu năm 2018 của khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 13,1%, từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,1% và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%. Trong khi ấy, theo ông, tăng trưởng kinh tế và lạm phát cộng lại chỉ là 11%.

Từ đó, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, năm 2019, dự toán năm 2019 đã được rút kinh nghiệm ở mức phù hợp hơn. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng thực hiện năm trước, thu từ doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,4% và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3%.

Thực tế, theo ông Đinh Tiến Dũng, 5 tháng đầu năm, tiến độ thu ngân sách 3 khu vực trên đạt 41,1% dự toán, xấp xỉ tiến độ bình quân các khoản thu nội địa (43,2%). Tiến độ như trên là khá sát với dự toán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem