Đề xuất cấp “sổ đỏ” cho tầng hầm “nở” ra ngoài ranh khối đế chung cư

Quốc Hải Thứ năm, ngày 16/07/2020 16:17 PM (GMT+7)
Một trong 8 giải pháp để giúp thị trường BĐS phục hồi sau dịch là đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với tầng hầm có phần diện tích rộng hơn, ngoài ranh khối đế chung cư. Đây là vướng mắc chung của nhiều dự án nhà ở cao tầng ở TP.HCM và nhiều đô thị lớn hiện nay…
Bình luận 0

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét tháo gỡ các điểm nghẽn và vướng mắc về cơ chế chính sách để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng minh bạch, ổn định, bền vững… sau mùa dịch Covid-19.

Đề xuất cấp “sổ đỏ” đối với tầng hầm “nở” ra ngoài ranh khối đế chung cư - Ảnh 1.

HoREA kiến nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tầng hầm có phần diện tích rộng hơn, ngoài ranh khối đế chung cư (Ảnh minh họa)

Trong đó, đề xuất đáng chú ý nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tầng hầm có phần diện tích rộng hơn, ngoài ranh khối đế chung cư. Theo HoREA, đây là vướng mắc chung của nhiều dự án nhà ở cao tầng, mà tầng hầm có diện tích lớn hơn diện tích khối đế tòa nhà chung cư, do một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất chủ đầu tư phải đóng bổ sung nghĩa vụ tài chính. 

Nhưng, đề xuất này thiếu căn cứ pháp luật. Bởi lẽ, khi xác định tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thì Hội đồng thẩm định giá đất đã tính toán đầy đủ tổng chi phí đầu tư và tổng doanh thu của dự án, bao gồm toàn bộ diện tích tầng hầm và chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.

"Do vướng mắc này mà đến nay, có nhiều dự án nhà chung cư chưa được cấp sổ đỏ phần diện tích tầng hầm vượt ngoài ranh khối đế chung cư. Vì thế, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp sổ đỏ công nhận toàn bộ diện tích tầng hầm cho chủ đầu tư và không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, lý giải.  

Ngoài đề xuất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tầng hầm; HoREA cũng đề xuất thêm 7 giải pháp khác với mong muốn Chính phủ sớm bắt tay tháo gỡ.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ sớm ban hành "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai", để tháo gỡ ách tắc của hàng trăm dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài các thửa đất do Nhà nước quản lý (đất công).

Thứ hai, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng (sửa đổi), để tháo gỡ ách tắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ TP.HCM sớm hoàn thành đầu tư xây dựng khép kín các đường Vành đai 2, Vành đai 3, tuyến Metro số 1 và một số trục đường xuyên tâm, để giải quyết điểm nghẽn hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Thứ 4, đề nghị xây dựng cơ chế để phát huy vai trò của "Trung tâm phát triển quỹ đất" thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đảm bảo công bằng đối với mọi người sử dụng đất; Tổ chức đấu giá công khai quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh minh bạch; Chênh lệch địa tô thuộc ngân sách nhà nước phục vụ lợi ích công cộng; Hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện đông người.

Thứ 5, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở, vừa tạo cú huých cho thị trường bất động sản.

Thứ 6, kiến nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2015/NĐ-CP "Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư".

Cuối cùng, đề nghị cơ chế xử lý phần đất giáo dục, y tế, vui chơi giải trí (công viên chuyên đề) hoặc đất có mục đích kinh doanh khác trong dự án nhà ở thương mại.

"Kể từ Luật Đất đai 2013 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đến nay, thì một số chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại xin được đầu tư kinh doanh các phần đất giáo dục, y tế, vui chơi giải trí (công viên chuyên đề), hoặc đất có mục đích kinh doanh khác trong dự án, nhưng chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, hoặc hướng dẫn thủ tục đầu tư, vừa gây thiệt hại cho chủ đầu tư, vừa lãng phí quỹ đất đã được đầu tư hạ tầng. 

Do vậy, HoREA đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng tương tự cơ chế 'giao chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng' các dự án giáo dục, y tế, vui chơi giải trí (công viên chuyên đề), hoặc đất có mục đích kinh doanh khác tại các phần đất của dự án theo quy hoạch được duyệt", ông Châu, đề xuất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem