Đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng để gấp rút khôi phục sản xuất sao bão Yagi
Đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng để gấp rút khôi phục sản xuất sao bão Yagi
Bình Minh
Thứ sáu, ngày 18/10/2024 10:50 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nhằm gấp rút khôi phục sản xuất chăn nuôi và thuỷ sản sau thiên tai, Bộ NNPTNT đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ 10.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông lâm ngư nghiệp...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để khôi phục lại sản xuất sau bão lũ, ngày 27/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 100, phân công các bộ ngành phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 3. Bộ NNPTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để chủ động khôi phục sản xuất nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phục hồi cây trồng, vật nuôi sau bão; chỉ đạo, hướng dẫn, khảo sát thực địa, hỗ trợ các địa phương ổn định dân cư, tái định cư cho nhân dân vùng bị thiệt hại sau bão.
"Những khó khăn và thách thức này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng cũng như xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2024. Nhưng nhất định, khó khăn nào cũng phải khắc phục để về đích với các mục tiêu đã đề ra", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ NNPTNT cũng đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ 10.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho các địa phương, tập trung hỗ trợ dân sinh, sửa chữa, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các công trình xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; tu sửa, khắc phục đường giao thông, cơ sở y tế, giáo dục, phục hồi sản xuất nông nghiệp, sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn...
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan sớm có ý kiến, phê duyệt để các địa phương tiếp nhận được hạt giống kịp thời đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương khẩn trương, rà soát thống kê đánh giá thiệt hại và thực hiện hỗ trợ ngay cho nhân dân; tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo về khôi phục sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành. Bên cạnh đó, tích cực giải quyết các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới tại địa phương. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính không quá 1/2 thời gian tối đa theo quy định pháp luật hiện hành.
Thứ trưởng cho rằng, từ nay đến cuối năm, thời tiết sẽ còn nhiều biến động. Các dịch bệnh như tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm,... vẫn là nguy cơ lớn. Vì vậy, công tác vệ sinh phòng bệnh và an toàn sinh học phải được đặt lên hàng đầu, vừa là nhiệm vụ sau bão, vừa là yêu cầu trong hệ thống giải pháp chăn nuôi.
"Nghị định 02 năm 2017, hiện đã quá cũ"
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật. Tuy nhiên, Nghị định 02, hiện đã quá cũ, do một số cơ chế hỗ trợ đã không còn phù hợp với thực tiễn.
Ông Tiến cho hay, trước đây, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, nếu sửa nghị định sẽ cần khoảng 1 - 2 năm. Lúc đó, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ ra nghị quyết. Sau khi có Nghị quyết 42/NQ-CP, chúng ta đã huy động được 13.200 tỷ đồng vào phục hồi đàn lợn. Chưa đến 2 năm, chúng ta giải quyết được vấn đề về dịch tả lợn châu Phi. Và cũng chưa đến 2 năm, chúng ta đã có sản lượng thịt lợn và giá cả hợp lý.
Sau thiệt hại nặng nề do bão số 3, Bộ NNPTNT đã kiến nghị với Chính phủ có một Nghị quyết để chúng ta sớm có nguồn lực, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.
"Trước mắt, phải có một Nghị quyết của Chính phủ. Còn tại Nghị định 02, chúng tôi đã tách ra, một Nghị định cho thủy sản và chăn nuôi; một Nghị định của các lĩnh vực khác còn lại. Với Nghị định của thủy sản và chăn nuôi, chúng tôi đã ký trình Chính phủ, hy vọng Nghị định sẽ sớm được ban hành. Còn Nghị định của các lĩnh vực còn lại có thể sẽ chậm hơn", ông Tiến thông tin.
Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, khảo sát tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi Bão số 3 cho thấy nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường, và hệ thống điện cung cấp cho các trang trại bị phá hủy, khiến không thể cung cấp điện kịp thời. Tổng thiệt hại gây ra cho ngành chăn nuôi khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.
Để ngành chăn nuôi gượng dậy sau bão lũ, ông Đăng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân bị thiệt hại, bao gồm việc giãn, hoãn, giảm thuế, lệ phí; hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cấp vốn vay để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đăng, đây là thời điểm để ngành chăn nuôi chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Thiên tai là rủi ro, nhưng chúng ta có thể coi đó là cơ hội để tái định hướng ngành. Ví dụ như sau dịch tả lợn châu Phi, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà người chăn nuôi cũng đã thay đổi quan điểm về an toàn sinh học. Sau những cơn bão như thế này, chúng ta sẽ rút ra được kinh nghiệm để không chỉ phòng chống mà còn chung sống với thiên tai, nhằm phát triển bền vững.
Xem xét khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung các gói vay mới
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho hay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt khoảng 30.137 ha. Ước tính thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão là khoảng 6.180 tỷ đồng.
Ông Luân cũng cho biết, đã trực tiếp làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để xem xét khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung các gói vay mới nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất thuỷ sản. Đồng thời, kiến nghị các địa phương bị thiệt hại cần khẩn trương huy động nhân lực, tổ chức làm sạch môi trường ở các vùng nuôi bị ngập lụt. Các biện pháp như sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước tại những vùng bị ô nhiễm cần được thực hiện nhanh chóng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.