Đền Đức Thánh Cả ở vùng biển Đa Lộc của Thanh Hóa thờ bốn vị Thánh Nương nào?
Đền Đức Thánh Cả bề thế ở vùng biển Đa Lộc của Thanh Hóa thờ bốn vị Thánh Nương, chốn tâm linh yên bình
Vũ Thượng
Chủ nhật, ngày 11/06/2023 18:53 PM (GMT+7)
Đền Đức Thánh Cả, thôn Vạn Thắng (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) là ngôi đền cổ, thờ Tứ vị Thánh Nương. Ngôi đền cổ cũng là nơi sinh hoạt tâm linh của ngư dân vùng biển Thanh Hóa nơi đây.
Đa Lộc là địa phương thuộc vùng ven biển (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đánh bắt hải sản…Qua đó, đền Đức Thánh Cả là nơi sinh hoạt tâm linh, người dân thường đến cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Clip: Đền Đức Thánh Cả (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nơi sinh hoạt tâm linh của người dân vùng ven biển. Đềm Đức Thánh Cả thờ Bốn vị Thánh Nương.
Đền Đức Thánh Cả xưa kia tọa lạc tại làng Hanh Cù, Hanh Cát (quê mẹ Tơm), nay thuộc địa phận thôn Vạn Thắng (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc), được xây dựng vào thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, trước đây, ngôi đền bao gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu cung thờ Đức Thánh Cả, Tứ vị Thánh Nương là những vị phúc thần tiêu biểu trong tín ngưỡng thờ mẫu có công bảo vệ cuộc sống cho người dân vùng biển.
Cụ thể, nhân vật trung tâm của Tứ vị Thánh Nương là Dương Thái Hậu - vị mẫu nghi của nhà Nam Tống Trung Quốc. Năm 1276, kinh đô Lâm An của nhà Nam Tống rơi vào tay Mông Cổ, Vua tôi nhà Tống đứng lên chống giặc nhưng đều thất bại.
Sau khi nghe tin vua bị bắt, tôn thất đều qua đời, Dương Thái Hậu buồn rầu nhảy xuống biển tự tử.
Thi thể bà Thái Hậu trôi dạt vào cửa Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), sắc mặt vẫn hồng hào như người sống. Dân chài thương xót đã lập am thờ.
Khi vua Trần Anh Tông mang quân đi đánh Chiêm Thành đã chiêm bao thấy vị nữ thần đến giúp sức nên thắng trận. Khi trở về vua đã cho lập đền thờ để nhân dân thờ cúng.
Từ đó tục thờ Tứ vị Thánh Nương xuất phát từ đền Cờn Nghệ An lan ra khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ. Dọc miền duyên hải có 81 nơi thờ tự và đền Đức Thánh Cả ở xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là một trong nơi như thế.
Lối kiến trúc độc đáo
Đền Đức Thánh Cả (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc), từng là công trình bề thế, tuy nhiên, trải qua bao biến cố lịch sử, chỉ còn lại nghinh môn là còn nguyên vẹn.
Theo quan sát của Dân Việt, nghinh môn hướng ra biển được xây dựng theo lối tam quan, tầng mái vút cong, phía trên cùng là tháp chuông với nhiều nét hoa văn hoạ tiết độc đáo, tường hai bên đắp con voi, ngựa đối xứng.
Các cột nanh có câu đối chữ Nho, là một hệ thống văn tự còn lưu lại. Trên tầng 3 của Nghinh Môn mặt ngoài có 3 từ: "Thượng đẳng từ", mặt trong có 2 từ: "Linh từ", vì vậy Đền Thánh Cả còn được gọi là Thượng đẳng linh từ.
Đền Đức Thánh Cả còn có dấu ấn lịch sử, nơi ẩn nấp của Nghĩa quân Ba Đình, nơi tạm trú của các nhà hoạt động cách mạng trên đường từ Phú Lương về nhà Mẹ Tơm, nơi tụ họp của tổ Đảng làng Khang Cù trong thời kỳ bí mật sau này.
Với giá trị lịch sử đó, nhằm giữ lại cho hậu thế mai sau, 2005, cấp ủy, chính quyền xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) kêu gọi nhân dân, tổ chức, cá nhân quyên góp, trùng tu tôn tạo ngôi đền 5 gian làm nơi thờ tự và mời thanh đồng Vũ Ngọc Chinh làm chủ nhang.
Năm 2005, nhà tiền đường ba gian thờ Tứ Vị Thánh Nương được xây dựng. Từ đó, cứ mỗi năm lại thêm một công trình mới như: Điện thờ mẫu, Điện ngọc, Chùa Trùng Khánh, Đức Thánh Trần lần lượt được hoàn thành.
Hiện nay, ngoài thờ Tứ vị Thánh Nương, đền Đức Thánh Cả còn thờ thần Độc Cước, Bà Chúa Kho, ông Hoàng Mười, các danh nhân văn hoá, anh hùng dân tộc.
Đền Đức Thánh Cả trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng vẫn đứng đó uy nghiêm, sừng sững như một phần hồn cốt không thể tách rời của người dân ven biển.
Đồng thời, là biểu tượng văn hoá tốt đẹp của đất và người xã Đa Lộc, là điểm tựa tinh thần, điểm đến tâm linh mang lại sự thanh thản cho người dân cũng như du khách thập phương. Năm 2010, đền Đức Thánh Cả được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá công nhận là di tích lịch sử văn hoá.
Hàng năm vào các ngày 4,5,6 tháng 3 (tức ngày 13,14,15 tháng 2 âm lịch), nhân dân các thôn, xã Đa Lộc tạm gác công việc thường ngày để tham gia lễ hội, bày tỏ lòng thành kính với các vị thần có công bảo vệ dân làng.
"Đền Đức Thánh Cả là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân xã Đa Lộc từ nhiều đời nay. Đặc biệt, thông qua hoạt động lễ hội hàng năm đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi,…Ngoài ra, tạo cho người dân một năm mới hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, địa phương", ông Vũ Văn Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.