Đi tìm điệu ví làng Than

Thứ năm, ngày 27/03/2014 10:28 AM (GMT+7)
Làng Ngọc Than (Quốc Oai, Hà Nội) xưa nổi tiếng với truyền thống hiếu học “bút ngọc nghiên than”, nhưng ít ai biết ở vùng quê ấy còn có điệu ví dân gian vào hội tháng 8. Thế nhưng, ngày nay hát ví chỉ còn là một nét đẹp trong quá khứ của làng.
Bình luận 0
Ví vần như vợ với chồng

Về Ngọc Than và hỏi làn điệu ví, thanh niên trong làng ai nấy đều lắc đầu không biết. Những người trung tuổi trong làng thì bảo “các cụ “đi” hết rồi, làm gì còn ai biết hát”. Với những người nơi đây, hát ví đã trở thành một quá khứ xa xăm không phải của họ mà của thế hệ đi trước nào đó.

 Đình làng Ngọc Than - nơi ngày xưa trai gái trong làng  cùng nhau hát ví vào dịp hội.
Đình làng Ngọc Than - nơi ngày xưa trai gái trong làng cùng nhau hát ví vào dịp hội.

Tìm đến cụ Bùi Thúc Cát (sinh năm 1924) ở xóm Trại, thôn Ngọc Than, cụ Cát bây giờ đã ở cái tuổi không còn hát được nữa. Cụ bảo, già rồi đến việc hít vào, thở ra còn nhọc nhằn huống chi nói đến hát ví. Chẳng biết hát ví có từ bao giờ, nhưng khi cụ Cát lớn lên đã thấy các anh chị trong làng hát với nhau.

Dần dần, những điệu ví ấy lại ngấm vào những đứa trẻ chăn trâu, cắt cỏ, những phụ nữ đi cấy... đi đâu, làm gì người ta cũng hát ví với nhau. Hằng năm vào hội tháng 8, trai thanh gái lịch trong làng lại kéo ra đình hát ví với nhau. Những điệu ví vần lảnh lót khi là tán tỉnh lúc là đùa vui...

Trai gái trong làng hát đối với nhau đến 3 ngày 3 đêm mới nghỉ. Chẳng nhớ rõ có ai thành vợ thành chồng từ điệu hát ví không nhưng cụ Cát nói chắc nịch, những hội hát ví ấy cũng khiến nhiều đôi trai gái nảy sinh tình cảm. Người ta vẫn nói “ví vần như vợ với chồng”, mỗi câu ví được hát phải có vần, có điệu.

Ví là một nghệ thuật văn hóa dân gian bởi vậy ngôn ngữ, câu từ của nó thường đơn giản, bình dị, dễ đi vào lòng người. Những đồ vật đi vào điệu ví thường rất quen thuộc và gần gũi với mỗi người như chiếc nón, chiếc khăn của người phụ nữ. “Đi đâu khăn đội khăn quàng/Để anh rách rưới xấu chàng hổ ai/Em cho anh mượn một chiếc khăn ngoài/Phòng khi mưa nắng đi đâu che đầu/Anh mượn chẳng mất được đâu/Cũng như cái của chôn sâu trong nhà/Mất một anh lại đền ba/Ví như mất cả anh ra đền làng”.

Cụ Cát giải thích, đấy là điệu ví năm nào cụ vẫn hát ở ngã ba đường trong thôn với những người cùng trang lứa. Nghĩa của câu hát cuối cùng là lời tỏ tình của người thanh niên với cô gái làng, nếu mất khăn thì sẽ đền làng bằng một đám cưới. Cụ sợ thanh niên thế hệ sau này không hiểu được những câu ví ngày xưa nên khi đọc xong những điệu ví ấy cụ giải thích rất cặn kẽ.

Cụ Bùi Thúc Cát - người duy nhất  còn biết hát ví.
Cụ Bùi Thúc Cát - người duy nhất còn biết hát ví.

Theo cụ Cát, điệu ví ở làng Than thường có 2 loại là ví lẻ và ví có lề lối. Mỗi đêm hát ví thường có 3 chặng: Ví chào, ví giao duyên và ví giã. Các điệu ví không tuân theo bất cứ quy tắc nào về âm luật. Ví chỉ cần sao cho có vần, có điệu và hợp với ngữ cảnh. Các điệu ví cũng không có bài bản nào, nó như một hình thức đối thơ, người trước ví, người sau sẽ đối lại và ai biết thì tự ví đối.

Điệu ví đi vào quên lãng

Những điệu ví đã ra đời một cách tự nhiên, bộc phát và truyền miệng đến thế hệ cụ Cát. Cụ bảo, ai cũng có bài ví của riêng mình nhưng qua thời gian chẳng còn nhớ được là bao. Thỉnh thoảng cụ vẫn ngồi hát những điệu ví ấy một mình để nhớ về thời đã qua, những điệu ví mộc mạc chứa đựng trong đó cả tình yêu quê hương, đất nước, gia đình và đôi lứa.

Từ khi đất nước có chiến tranh đến lúc kinh tế phát triển, không còn những đứa trẻ mục đồng ngêu ngao hát ví, đám thanh niên trong làng cũng biết dùng điện thoại, máy tính nói chuyện, tỏ tình với nhau, điệu hát ví dần đi vào quên lãng.

"Trong thôn chỉ còn cụ Cát biết hát ví mà cụ cũng nhiều tuổi rồi. Tôi vẫn chưa nghe nói đến việc truyền dạy điệu ví lại cho thế hệ sau”.

Trưởng thôn Nguyễn Bá Hưng

Bây giờ cụ Cát đã ở tuổi 90 nhưng người trong làng biết đến điệu ví chỉ còn mình cụ. Những người trong hội ví ngày xưa đã sang bên kia thế giới, việc “đi, ở” của đời người chỉ là thời gian, nguy cơ thất truyền của điệu ví là điều khó tránh khỏi.

Không phải nghệ sĩ nhưng cụ Cát cũng có người mến mộ thực sự. Lục trong tập giấy cũ, cụ lấy ra những tập thư của một người ở tận Tây Nguyên gửi về. Trong thư là những lời chia sẻ về làn điệu ví của một người chỉ biết tên không biết mặt. Họ trao đổi với nhau về những điệu ví, chia sẻ với nhau về chuyện gia đình và trong mỗi bức thư đều có những bài ví chúc nhau.

Cụ Cát giữ chúng như những báu vật, dù nét chữ đã nhòe nhưng trang giấy vẫn còn nguyên nếp gấp. Con dâu cụ Cát bảo, cụ bây giờ chẳng còn hát nổi nhưng vẫn thường đọc lại câu ví ngày xưa. Con cháu trong nhà ít nhiều nghe cụ đọc cũng nhớ nhưng chẳng biết hát thế nào, mà bận đi làm cũng không có thời gian để học hát. Bây giờ cũng chẳng còn mấy ai muốn ngân nga điệu ví ngày xưa nữa.

Cụ Cát cho biết, từ khi chỉ còn mình cụ biết hát ví không thấy có ai đến học hát hay có ý định phát triển hát ví nữa vì người ta còn bận làm ăn. Anh Nguyễn Bá Hưng- Trưởng thôn Ngọc Than cho biết: “Ngày xưa tôi còn được nghe các cụ nhắc nhiều về điệu hát ví nhưng bây giờ thì không còn thấy nữa. Hát ví không chỉ giúp cải thiện đời sống tinh thần mà còn làm bền chặt tình làng nghĩa xóm. Thế nhưng, trong thôn chỉ còn cụ Cát biết hát ví mà cụ cũng nhiều tuổi rồi. Tôi vẫn chưa nghe nói đến việc truyền dạy điệu ví lại cho thế hệ sau”.

Mỗi thế hệ qua đi, những nét văn hóa của thế hệ ấy cũng đi theo họ, điệu ví làng Than là một điển hình như thế. Bây giờ, điệu ví ấy chỉ như đốm lửa tàn sắp tàn. Sau này khi nhắc lại, những thế hệ sau có thể sẽ lại xuýt xoa về một nét đẹp trong văn hóa dân gian bị mất đi. Điệu ví làng Than đang cần lắm một phương án bảo tồn.
Phượng Lê (Phượng Lê)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem