Dịch lợn tai xanh lại bùng phát

Thứ năm, ngày 10/05/2012 10:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dịch tai xanh đã bùng phát từ đầu tháng 4, đến thời điểm hiện nay đã lây lan ra 6 tỉnh, thành trong cả nước và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bình luận 0

Một số tỉnh có dịch bệnh bùng phát từ đầu tháng 4 như Điện Biên, vẫn đang tiếp tục bùng phát các ổ dịch mới tại 24 xã, phường toàn tỉnh.

Tính đến thời điểm này, riêng tỉnh Điện Biên đã phải tiêu hủy hơn 10.000 lợn bệnh. Bà Cao Thị Tuyết Lan- Chi cục trưởng Chi cục Thú y Điện Biên cho biết: “Dịch tai xanh (DTX) bùng phát chủ yếu là do vận chuyển lợn giống, lợn thịt từ miền xuôi lên không đảm bảo chất lượng, mang mầm bệnh khiến công tác phòng chống của tỉnh Điện Biên trở nên rất vất vả và khó kiểm soát”.

img
Các hộ nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để phòng DTX cho đàn lợn.

Cũng theo bà Lan, do việc chăn nuôi trong phạm vi chật hẹp, mật độ chăn nuôi lớn tập trung ở khu dân cư, vì thế dịch bệnh lây lan rất nhanh. Hơn nữa, ý thức chủ động phòng chống của người dân không tốt, các hộ nuôi giấu dịch cố chữa, đến lúc không chữa được mới báo cho thú y.

Tại Bắc Ninh, hiện DTX cũng lan ra nhiều xã ở huyện Gia Bình với hàng nghìn lợn bệnh đã bị mắc bệnh hoặc tiêu hủy. Gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã có quyết định công bố dịch. Ông Phạm Đình Dụ- Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Gia Bình (Bắc Ninh) cho hay: “Năm nay, do thời tiết nắng nóng khiến dịch bệnh trở nên nặng hơn, cộng với việc mầm bệnh đã tồn tại trong môi trường từ trước nên việc xảy ra dịch là điều khó tránh khỏi”.

Theo thông báo của Cục Thú y, hiện DTX trên lợn đang bùng phát tại 6 tỉnh, thành làm tổng cộng 19.225 con mắc bệnh, trong đó đã có 18.716 con bị chết và tiêu hủy.

Đến thời điểm này, Cục Thú y đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra và cấp 140.000 liều vaccine cho các tỉnh để tiêm phòng bao vây ổ DTX. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế cho thấy, mặc dù Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ 70% giá lợn thương phẩm cho các hộ chăn nuôi có lợn bị dịch, song vẫn còn nhiều hộ không biết được thông tin này, nên đã giấu dịch, bán chạy lợn bệnh để tránh thua lỗ. Ông Ninh Văn Hiểu – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nam Định cho biết: “Chúng ta cần phải tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương này đến người chăn nuôi để họ nắm được tình hình, yên tâm tiêu hủy lợn, và khi có dịch họ sẽ báo cáo ngay lập tức cho lực lượng thú ý”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem