|
Bệnh nhân tả đang được điều trị tại Bệnh viện Cù Lao Minh (Bến Tre). |
Người bệnh tăng hàng ngày
Ông Võ Huy Danh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết, ngày 21-6 tỉnh này ghi nhận thêm một ca dương tính với phẩy khuẩn tả tại địa bàn phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên. Như vậy tính từ đầu năm đến nay An Giang đã có hai đợt bùng phát dịch tả, với 11 ca dương tính với phẩy khuẩn tả và khoảng 600 trường hợp tiêu chảy cấp. Bến Tre, địa phương có số ca nhiễm tả nhiều nhất hiện nay, cũng đang tập trung mọi nguồn lực để khống chế dịch bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, tính đến cuối ngày 20-6 Bến Tre đã có 50 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Bệnh tả đã lan ra 6 huyện, gồm: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Châu Thành. Không những thế, số ca tiêu chảy cấp cũng tăng hàng ngày với gần 600 ca ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh.
Trong khi hai điểm nóng An Giang và Bến Tre đang bị dịch tả hoành hành, chưa khống chế được thì tại Tiền Giang vừa xuất hiện hai ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Đó là hai mẹ con ở xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè.
Trước đó ngày 11-6, hai mẹ con đi đám giỗ ở nhà người bà con ở khu vực Thạnh Thuận, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ thì người con là Đ.T.L, bị đau bụng dữ dội, buồn nôn, đi tiêu liên tục nhiều lần và được đưa đi cấp cứu.
Hai ngày sau, Trung tâm Y tế dự phòng TP. Cần Thơ xác định bệnh nhân L dương tính với phẩy khuẩn tả type Ogawa. Còn mẹ chồng sau khi đi đám giỗ về nhà vẫn không có biểu hiện bệnh, nhưng khi lấy mẫu xét nghiệm thì phát hiện bà cũng bị bệnh tả.
Nguy cơ bùng phát diện rộng
Để phòng bệnh tả, người dân phải tăng cường vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, rửa tay sạch trước khi ăn. Nguồn nước sông rạch nếu bắt buộc phải sử dụng thì cần phải được xử lý bằng chloramine B. Còn nguồn nước được xác định đã nhiễm phẩy khuẩn tả thì tuyệt đối tránh.
Rau quả, thực phẩm (kể cả dụng cụ chế biến) phải được rửa bằng nước sạch đã khử khuẩn bằng chloramine B. Hạn chế tối đa việc sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc.
(Nguồn: Viện Pasteur TP.HCM)
Hiện nay tại ĐBSCL tình hình dịch tả diễn biến rất phức tạp. Ông Võ Huy Danh lo lắng: “Tỉnh vừa khống chế dịch bệnh ở huyện An Phú thì 3 huyện mới lại bùng phát dịch. Hơn nữa, các tỉnh lân cận cũng đang bùng phát dịch bệnh nên rất nguy hiểm. Tuy xác định nguyên nhân dịch bệnh xuất phát chủ yếu từ nguồn nước và thực phẩm nhưng vẫn không xác định được nguồn gốc cụ thể”.
Hiện tỉnh An Giang đang tập trung nguồn lực tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, như: Tuyên truyền mạnh trong người dân, kiểm tra thức ăn, nguồn nước… Tỉnh cũng vừa ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ban ngành tập trung tuyên truyền cao độ nhằm nâng cao ý thức của người dân…”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, ngành y tế của tỉnh đang căng sức tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng bệnh. Tỉnh cấm sử dụng, lưu hành nước đá trong toàn tỉnh, tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm, nguồn nước và vận động người dân dùng kháng sinh ngăn ngừa tối đa dịch bệnh.
“Điều đáng lo lắng hiện nay là việc xử lý chất thải của các bệnh nhân chưa triệt để, mầm bệnh lan ra môi trường sông nước. Kết quả kiểm tra của ngành y tế cho thấy trên sông Mỏ Cày có phẩy khuẩn tả và số ca tiêu chảy cấp vẫn tăng” - ông Thắng nói.
Hồng Cẩm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.