Đem dâu tây Mộc Châu lên trồng ở cánh đồng Mường Phăng, ai ngờ nông dân Điện Biên trúng quả
Điện Biên: Trồng thứ cây lạ cả làng chưa ai thử, nông dân 9X hái trái mỏi cả tay, lãi 200 triệu
Vinh Duy
Thứ hai, ngày 14/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Từ huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lên Điện Biên lập nghiệp, anh Hoàng Văn Dán, bản Bua, xã Mường Phăng, T P Điện Biên Phủ đã khá giả hẳn lên nhờ trồng dâu tây-loại cây chưa bao giờ trồng ở cánh đồng Mường Phăng.
Năm 2011, 2 vợ chồng thanh niên trẻ Hoàng Văn Dán, dắt díu nhau từ huyện Mộc Châu (Sơn La) lên mảnh đất Điện Biên lập nghiệp.
Vợ thì làm y tế học đường, anh Dán làm đủ nghề từ buôn bán, mở quán Internet… nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Năm 2020 về quê ở Mộc Châu, anh Dán thấy bà con trong làng trồng dâu tây, bán rất đắt hàng. Trong khi đấy trên Điện Biên vẫn phải nhập dâu tây ở Mộc Châu lên bán với giá "cắt cổ".
Clip: Vườn dâu tây của chàng trai 9x Điện Biên
Sau khi nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Mường Phăng, tương đồng với Mộc Châu. Anh Dán đánh liều, đầu tư thuê đất, trồng thử vài trăm mét dâu tây.
"Lúc đầu em cũng chưa dám trồng dâu tây ở đây. Nhỡ thất bại thì cả trăm triệu đồng vợ chồng đi vay mượn lại phải còng lưng gánh nợ. Nhưng có chú Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã động viên, em đã trồng thử cây dâu tây" anh Dán chia sẻ.
Với kinh nghiệm học hỏi từ những người bạn đồng trang lứa ở quê, cùng với học hỏi trên Internet, vườn dâu tây đã phát triển tốt.
Theo anh Dán thì hồi hộp nhất là lúc cây ra hoa, đậu quả. Không biết chất lượng có ngon, ngọt như ở Mộc Châu hay không? Khách hàng có ưa chuộng dâu tây Mường Phăng hay không? Đất không phụ công người, vụ đầu tiên dâu tây đã cho quả ngọt.
"Chất lượng không hề thua kém dâu tây Mộc Châu. Vườn dâu tây với diện tích hơn 500m em đã thu gần 1 tấn quả. Với giá bán trung bình từ 80 – 160 nghìn đồng/kg đã mang lại lợi nhuận lớn cho gia đình" anh Dán cho biết thêm.
Theo anh Dán trồng dâu tây tưởng đơn giản, nhưng không hề đơn giản tý nào. Cây dâu tây lúc trồng đòi hỏi phải biết cách chăm sóc, từ khâu xuống giống, bón phân.
Thời điểm nào bón phân hợp lý, nếu không cây tốt nhưng không có quả. Ngay cả lúc thu hoạch, nếu không biết cách thì dâu tây sẽ nhanh hỏng, thối.
"Cây này cũng khó tính nắm, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch. Nhìn quả dâu tây đỏ mọc thế kia, nếu lúc hái công nhân không đeo găng tay, mồ hôi, chất nhờn trên da tay sẽ bám vào quả sẽ rất nhanh thối, hỏng. Hay thời điểm bón phân, không đúng lúc thì chỉ có thu hoạch lá thôi chứ chẳng có quả" anh Dán cười chia sẻ.
Thành lập hợp tác xã trồng dâu tây, quyết làm ăn lớn
Để người dân Điện Biên được dùng dâu tây thơm, ngon, chất lượng. Từ sự thành công bước đầu, nhưng để người tiêu dùng yên tâm vào chất lượng sản phẩm dâu tây Mường Phăng thì có đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm.
Sản phẩm dâu tây phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ thì bán mới được giá. Theo chia sẻ của anh Dán thì anh không muốn làm một mình mà muốn liên kết với nông dân Mường Phăng.
"Đất ở đây rộng, bà con còn thiếu việc làm. Thanh niên vẫn phải đi làm thuê, tại sao mình không liên kết với bà con để mở rộng diện tích dâu tây. Bà con có thêm thu nhập, mà sản phẩm dâu tây Mường Phăng sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường" anh Dán tâm sự.
Với suy nghĩ đơn giản sẽ cùng người dân Mường Phăng tạo ra một sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Dán quyết định thành lập Hợp tác xã Dâu tây Mường Phăng – Điện Biên. Nhưng để người dân tin tưởng cùng góp đất, mở rộng diện tích dâu tây, cuối năm 2021, anh Dán quyết định thuê thêm 2.500m đất ruộng một vụ để mở rộng diện tích trồng dâu tây.
Vườn dâu tây được anh Dán đầu tư tỷ mỷ, từ khâu làm đất, chọn giống đến khi xuống giống. Ngoài việc đầu tư về ngày công cho các khâu sản xuất, giống, vật tư nông nghiệp, anh Gián còn đầu tư thêm cả bạt phủ, hệ thống đường ống tưới tự động và một số vật liệu, phương tiện khác phục vụ cho sản xuất.
Mặc dù đầu tư tốn kém và khá dày công chăm sóc nhưng theo như năm đầu trồng dâu tây ở đất Mường Phăng, tính ra vẫn có lợi nhuận kinh tế.
Theo anh Dán thì cây dâu tây, chi phí ban đầu cao nhưng bù lại, cây này cho nguồn thu nhập đa dạng. Bắt đầu từ tháng 11, nhà vườn bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau thì bán quả.
Thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống. Chỉ tính bán quả tươi, nhà vườn cũng có thể đem lại lợi nhuận cao.
"Vườn dâu tây của em chỉ 3.000m nhưng vụ này em thu sẽ hơn 3 tấn quả. Dâu tây của em chia ra làm 3 loại bán với 3 giá khác nhau, từ 80 nghìn đồng/kg, đến 160 nghìn đồng/kg. Sản phẩm dâu tây ngoài bán lẻ cho khách du lịch thì phần lớn sản phẩm em đã cấp cho các siêu thị dưới Thành phố Điện Biên Phủ" anh Dán cho biết thêm.
Tại Mường Phăng, dù chưa có tính toán cụ thể, nhưng tính ở mức thấp hơn so với mức trung bình ở các vùng chuyên canh dâu tây, thì mỗi m2 cho thu hoạch khoảng 1kg quả.
Nếu chỉ tính với giá rẻ là 130 nghìn đồng/1kg thì mỗi ha cũng cho thu nhập 2 tỷ đồng. Ví như với vườn dâu tây 2 nghìn mét vuông của nhà anh Gián cho thu nhập 400 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, ít nhiều anh cũng cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Hiện tại sản phẩm dâu tây của Hợp tác xã Mường Phăng đã khẳng định được thị trường Điện Biên Phủ. Các siêu thị lớn tại Thành phố Điện Biên Phủ đã liên kết với Hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm dâu tây Phường Phăng.
Ông Nguyễn Chí Ba, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba, chủ siêu thị bán lẻ lớn nhất Điện Biên cho biết: "Sản phẩm dâu tây Mường Phăng được bán tại siêu thị, khách hàng rất ưa chuộng. Giá cả hợp lý, chất lượng tốt, trung bình siêu thị chúng tôi tiêu thụ hơn 1 tạ dâu tây Mường Phăng mỗi ngày".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.