Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: Nhiều giải pháp giúp báo chí là kênh chủ lực của truyền thông chính sách

Bùi My Thứ sáu, ngày 29/09/2023 18:55 PM (GMT+7)
Làm thế nào để truyền thông chính sách thực sự là nguồn lực cho phát triển? Làm thế nào để báo chí phát huy hết vai trò của mình trong công tác truyền thông chính sách...? Đó là những chủ đề được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 diễn ra chiều 29/9.
Bình luận 0

Chiều 29/9, tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 đã diễn ra với chủ đề "Truyền thông chính sách: Từ góc nhìn của các cơ quan báo chí". Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Gala Báo chí lần thứ năm do Hội Nhà báo Việt Nam giao báo Nhà báo & Công luận tổ chức.

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: Nhiều giải pháp để báo chí là kênh chủ lực của truyền thông chính sách  - Ảnh 1.

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 với chủ đề "Truyền thông chính sách: Từ góc nhìn của các cơ quan báo chí". Ảnh: Bùi My

Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Ninh và Hà Nam. Ngoài ra diễn đàn còn có sự tham gia của gần 120 lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí, đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông…

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 bao gồm 2 phiên thảo luận: Phiên thứ nhất có chủ đề "Báo chí - Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách"; phiên thứ hai có chủ đề "Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách".

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: Nhiều giải pháp để báo chí là kênh chủ lực của truyền thông chính sách  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Bùi My

Mở đầu diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, những năm gần đây, công tác truyền thông chính sách đã ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng.

Tuy nhiên, cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin.

Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí chính thống vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Do đó, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo hy vọng, Diễn đàn sẽ được đón nhận những ý kiến chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, những đề xuất, giải pháp giàu tâm huyết để công tác truyền thông chính sách ngày càng hiệu quả.

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: Nhiều giải pháp để báo chí là kênh chủ lực của truyền thông chính sách  - Ảnh 3.

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 có sự tham gia của gần 120 lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí, đại diện các Sở Thông tin và Truyền thông… Ảnh: Bùi My

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: Nhiều giải pháp để báo chí là kênh chủ lực của truyền thông chính sách  - Ảnh 4.

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Bùi My

Để truyền thông chính sách hiệu quả hơn, theo ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông, chuyển đổi số báo chí là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn.

Với công nghệ mới, chúng ta có thể biết ai, ở đâu, đọc gì, đọc bao lâu, quan tâm vấn đề gì nhất, và vì thế toà soạn có thể biên tập nội dung thông tin cho phù hợp mối quan tâm của người dân, có thể diễn đạt cho dễ hiểu hơn, tránh khoa học hoá vấn đề, tránh ngôn ngữ quá chuyên ngành, quá hàn lâm. Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo có thể cá thể hóa nội dung, đẩy dữ liệu mà độc giả quan tâm. Nội dung truyền thông tốt nhưng phải được lan tỏa trên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường tương tác.

Theo ông Phúc, chính những ý kiến phản hồi của công chúng mạng xã hội sẽ gợi mở cho báo chí những vấn đề mới, góc tiếp cận mới, để từ đó báo chí hình thành tuyến bài phản biện, xây dựng chính sách sát với thực tiễn và hiệu quả hơn.

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: Nhiều giải pháp để báo chí là kênh chủ lực của truyền thông chính sách  - Ảnh 5.

Ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đưa ra những kiến nghị tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2023. Ảnh: Bùi My

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cho biết, hiện mỗi ngày Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt xuất bản gần 400 tin bài trên các ấn phẩm, trong đó 80% tin bài liên quan tới truyền thông các chính sách của Đảng, Nhà nước; các tin bài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tin bài về hoạt động Hội Nông dân các cấp; các phong trào thi đua của Hội Nông dân Việt Nam, tới hàng triệu người đọc giấy và điện tử.

Theo ông Lưu Quang Định, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tuy là đơn vị sự nghiệp công thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn, nhưng đến nay đơn vị chưa được thực hiện nhiệm vụ đặt hàng về thông tin, truyền thông về các nhiệm vụ, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông tin, truyền thông về các lĩnh vực còn chưa được tổ chức đồng đều, thường xuyên, liên tục, có chiều sâu, thiếu sự liên kết, kết nối; Chưa có những sơ kết, tổng kết, điều tra, khảo sát về hiệu quả và các giải pháp đổi mới về truyền thông, thông tin đến người nông dân và bạn đọc; Chưa thật đa dạng hóa các cách thức thông tin trên các nền tảng mới; chưa áp dụng được chuyển đổi số báo chí một cách toàn diện

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế trên, theo nhà báo Lưu Quang Định, là do Báo Nông thôn Ngày nay hiện đang hoạt động dưới cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn, hằng năm chỉ được cấp một phần kinh phí nhiệm vụ đặt hàng rất nhỏ.

"Từ hiện trạng và khó khăn như trên, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho việc đặt hàng truyền thông chính sách; tạo nguồn kinh phí để các Bộ, ngành, địa phương đặt hàng báo chí truyền thông chính sách nói chung, cụ thể hơn là bố trí trí kinh phí để Hội Nông Dân Việt Nam đặt hàng truyền thông chính sách cho Báo Nông thôn Ngày nay, hướng dẫn cụ thể việc xây dựng đơn giá định mức kỹ thuật, một việc mà các báo đang rất lúng túng"- Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay đề nghị.

Diễn đàn Tổng Biên tập 2023: Nhiều giải pháp để báo chí là kênh chủ lực của truyền thông chính sách  - Ảnh 6.

Bà Lê Ngọc Hân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác truyền thông chính sách thông qua báo chí. Ảnh: Bùi My

Tại diễn đàn, bà Lê Ngọc Hân – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác truyền thông chính sách thông qua báo chí đã được áp dụng thời gian qua. Theo bà Hân, trong những năm qua, báo chí đã đồng hành với Quảng Ninh trong công tác tuyên truyền, là kênh thông tin hai chiều giữa các cấp chính quyền và Nhân dân.

"Để báo chí phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong truyền thông chính sách, Quảng Ninh xác định luôn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền và các cơ quan báo chí. Trong đó, các cơ quan ban hành chính sách phải chủ động kết nối với các cơ quan báo chí, bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật. Có như vậy, các cơ quan báo chí mới phát huy tốt được vai trò của kênh truyền thông chủ đạo, dẫn dắt" – bà Lê Ngọc Hân cho hay.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá Diễn đàn Tổng biên tập 2023 là một sự kiện rất bổ ích để giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm những chính sách và cơ chế tốt hơn, để báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách của mình. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng báo chí cần phải nhìn lại mình rằng đã thực sự làm tốt truyền thông chính sách hay chưa. 

“Chúng ta đã nghe rất nhiều Tổng biên tập nói nhiều đến vấn đề là chính sách làm gì cho truyền thông báo chí. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng cần phải nhìn nhận báo chí chúng ta đã làm được gì cho cái công tác truyền thông chính sách”, ông đặt vấn đề.

Theo ông Trần Thanh Lâm, Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí nhưng thực ra tạp chí có chức năng riêng, hiện chỉ có khoảng gần 200 cơ quan báo chí thực sự làm công tác truyền thông chính sách. Một chi tiết nữa mà ông Lâm lưu ý là các cơ quan báo chí cần phải khách quan, giữ tinh thần phản biện nhưng vẫn phải có tinh thần xây dựng. Theo ông, gần đây đã xảy ra những vụ việc đáng tiếc khi có một số bài báo có tác động tiêu cực tới sự phát triển chung, cũng như gây ra những hiểu nhầm của người dân về một số chính sách ở một số địa phương.

Sau hơn 3 tiếng làm việc tập trung với nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, những đề xuất, giải pháp giàu tâm huyết để công tác truyền thông chính sách ngày càng hiệu quả, Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 với chủ đề "Truyền thông chính sách: Từ góc nhìn của các cơ quan báo chí" đã khép lại thành công tốt đẹp.

Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, kết quả thảo luận tại diễn đàn sẽ đến được với cơ quan chức năng.

"Diễn đàn cũng không dừng lại ở việc mong kiếm các nguồn lực hỗ trợ tương tác cho truyền thông chính sách mà là sự hợp tác giữa các cơ quan, các Bộ, ban ngành, địa phương với cơ quan báo chí. Truyền thông chính sách theo hướng đa chiều vừa biểu dương những cái hay, vừa mang tính phản biện. Báo chí phải chủ động trong việc tuyên truyền, dành được sự tin cậy của các cơ quan chức năng, người dân", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh yêu cầu.

Ngoài ra, ông Lê Quốc Minh cũng đề nghị: "Từ những trao đổi hôm nay, tôi mong muốn nền báo chí của chúng ta chuyên nghiệp và khách quan hơn. Chắc chắn đây không phải là diễn đàn duy nhất và cuối cùng về truyền thông chính sách. Sau Diễn đàn này, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về truyền thông chính sách. Chúng ta có sức mạnh của báo chí, chúng ta cần tăng cường nhận thức của cơ quan chức năng về truyền thông chính sách, giữa nhà nước, cơ quan chức năng và báo chí cần "đồng thanh tương ứng" mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem