Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thay đổi tư duy để truyền thông chính sách pháp luật nhanh, hiệu quả hơn

Trần Quang Thứ năm, ngày 08/12/2022 06:51 AM (GMT+7)
Ngày 7/12, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT đã tổ chức buổi trao đổi xây dựng và truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật.
Bình luận 0
Thay đổi tư duy trong truyền thông chính sách pháp luật - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại buổi trao đổi xây dựng và truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật chiều 7/12. Ảnh: TQ

Cần xem mỗi chính sách là một sản phẩm

Chia sẻ tại buổi trao đổi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, khi chúng ta đảm nhận khâu xây văn bản quy phạm pháp luật, nếu chúng ta không có cách tiếp cận, tư duy pháp luật, dù mục tiêu tốt nhưng kết quả không được như mong muốn thì chúng ta sẽ làm khổ mình và làm khổ cho xã hội.

Theo đó, người đứng đầu ngành Nông nghiệp yêu cầu các đơn vị của Bộ mỗi khi xây dựng văn bản cần xác định rõ mức độ ảnh hưởng, tác dụng phụ và đo lường hiệu quả.

Thứ 2 là chúng ta chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Theo đó chúng ta phải có tư duy của người sản xuất, tư duy bán hàng và cần xem mỗi chính sách là một sản phẩm, từ đó có hình thức truyền thông, tiếp thị phù hợp để lắng nghe phản hồi của những đối tượng mà chính sách đó hướng đến.

"Hiện nay có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhiều khi chúng ta không biết tiếp thị, truyền thông thì sẽ không truyền tải được thông tin văn bản đó đến đối tượng mình muốn hướng đến", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho biết, trong năm 2023, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn, trao đổi về xây dựng và truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật. Qua đó nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị của bộ về truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật.

Cần đầu tư ngân sách đầy đủ cho truyền thông công chúng 

Mở đầu phần trao đổi với các đại biểu về “Xây dựng và truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật”, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã đưa ra khái niệm quản trị công là tổng thể quy trình ban hành và thực thi các quyết định để xử lý các vấn đề công của một đất nước. Trong đó, các cơ quan hoặc các thiết chế công khởi động quy trình hoặc tham gia một phần vào quy trình đó". Các chủ thể quản trị công bao gồm nhà nước; doanh nghiệp, thị trường; Các tổ chức quần chúng, NGO, người dân.

Về quy trình chính sách, TS Nguyễn Sỹ Dũng giải thích là khuôn khổ khái niệm về các bước gắn bó và kế tiếp nhau của việc ban hành và thực thi chính sách. Quy trình này gồm 6 công đoạn gồm: Xác định vấn đề; đưa vấn đề vào nghị trình; thiết kế giải pháp chính sách; thông qua chính sách; thực thi chính sách; đánh giá để sửa đổi, bổ sung.

Thay đổi tư duy trong truyền thông chính sách pháp luật - Ảnh 2.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ NNPTNT cần có đơn vị chuyên trách và chuyên nghiệp làm truyền thông chính sách; phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị làm truyền thông chính sách với các đơn vị chuyên môn khác của Bộ. Ảnh: TQ

Trong công đoạn thiết kế giải pháp chính sách, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng cần phải nghiên cứu để biết chính xác nguyên nhân của vấn đề mới có thể đề ra giải pháp chính sách đúng.

TS Nguyễn Sỹ Dũng dẫn chứng thêm ví dụ về nguyên nhân của việc đất nông nghiệp ở miền Bắc bị bỏ hoang nhiều. Theo ông, không giống như ở miền Nam, đất ở miền Bắc sau khi Luật HTX phân cho mỗi nhà vài sào, diện tích rất nhỏ bé. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, mọi người vào đô thị làm việc kiếm tiền dễ nhưng nếu trông vào diện tích đất ít ỏi như thế thu nhập rất thấp nên bỏ hoang, không bán vì mong chờ cơ hội có dự án đền bù được nhiều tiền hơn.

Theo đó, TS Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định: Nếu chúng ta không nghiên cứu sẽ không đưa ra được giải pháp xử lý hiệu quả. Nguyên nhân nào thì giải pháp đó là nguyên tắc của phản ứng chính sách. Như về nguyên nhân dân miền Bắc bỏ ruộng hoang nhiều, sau khi tìm ra nguyên nhân, chúng ta cần có giải pháp, có thể là đánh thuế đất nông nghiệp, dù mức thuế nhỏ cũng có thể kích thích tích tụ được đất đai, tránh được tình trạng bỏ ruộng hoang.

Qua đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, truyền thông chính sách để tham vấn công chúng là rất quan trọng để nâng cao chất lượng của phản ứng chính sách. Mục tiêu của truyền thông chính sách và truyền thông công chúng là cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời cho công chúng. Tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quy trình ban hành chính sách, pháp luật và tham gia quản trị quốc gia; bảo đảo thông tin hai chiều nhằm mở rộng đối thoại với dân giúp hoàn thiện chính sách và tạo ra đồng thuận; chông stin giả, tin thiếu chính xác giúp xây dựng và củng cố niềm tin xã hội.

Để làm được điều này, TS Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị Bộ NNPTNT cần có đơn vị chuyên trách và chuyên nghiệp làm truyền thông chính sách; phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị làm truyền thông chính sách với các đơn vị chuyên môn khác của Bộ. Bộ phận chuyên trách thiết kế và phát đi các thông điệp truyền thông (sử dụng các công cụ và cách thức truyền thông kỹ thuật số, các công cụ truyền thông đa phương tiện và các nền tảng truyền thông đại chúng.

"Đặc biệt, Bộ cần đầu tư ngân sách đầy đủ cho truyền thông công chúng như cho việc thực hiện chức năng quan trọng của Bộ", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thay đổi tư duy để truyền thông chính sách pháp luật nhanh, hiệu quả hơn - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia trao đổi xây dựng và truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật. Ảnh: TQ

Hiệu quả tích cực trong truyền thông chính sách

Phản hồi về vấn đề truyền thông chính sách, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, phần chia sẻ về xây dựng và truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật của TS Nguyễn Sỹ Dũng rất hữu ích và các thông tin, kiến thức đều rất cần áp dụng cho các đơn vị của Bộ.

 "Hiện các đơn vị của Cục Trồng trọt vừa xây dựng chính sách vừa làm công việc truyền thông chính sách nhưng do không được đào tạo bài bản kiến thức truyền thông nên đa phần chúng tôi làm theo kinh nghiệm nên nhiều khi có thể xảy ra sự cố truyền thông không mong muốn.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho truyền thông chính sách của Cục cũng rất hạn chế...", ông Cường nói và đề nghị lãnh đạo Bộ NNPTNT tiếp tục mới các chuyên gia về tổ chức nhiều buổi trao đổi, tập huấn để nâng cao trình độ cho các cán bộ của Cục Trồng trọt nói riêng và các đơn vị khác trong Bộ nói chung về truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật.

Cùng vấn đề, bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhưng năm gần đây, Hiệp hội VASEP và Bộ NNPTNT cũng đã phối hợp rất hiệu quả trong truyền thông chính sách pháp luật thông qua các tham vấn tích cực giúp thay đổi các thủ tục như thay đổi về quy định kiểm dịch nhập khẩu và sản phẩm thủy sản chế biến không bị đánh thuế thu nhập doanh nghiệp...

Đại diện VASEP kiến nghị Bộ NNPTNT cần có chính sách truyền thông trong công chúng và truyền thông chính sách chuyên nghiệp, bài bản hơn. Đơn cử như trước khi đưa ra một văn bản mới, Bộ cần truyền thông để có ý kiến rộng rãi của công chúng và giúp chính sách đưa vào cuộc sống, sản xuất nhanh và hiệu quả hơn.

Tại buổi trao đổi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn các đơn vị trong Bộ cần phải thay đổi tư duy làm chính sách cũng như tư duy truyền thông, tiếp thị chính sách pháp luật.

"Đừng nghĩ vấn đề truyền thông chính sách quá to tát mà chúng ta phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Đơn cử như cách truyền tải các thông tin văn bản, trên bàn làm việc của tôi thường để rất nhiều văn bản từ các đơn vị trình lên, các tập giấy rất cồng kềnh gây lãng phí chi phí in ấn thay vào đó các đơn vị chỉ cần gửi thông tin ngắn gọn, chính xác, kịp thời qua zalo cho tôi là được.

Chuyện truyển tải các văn bản về các địa phương cũng vậy, thay vì gửi qua tỉnh, huyện, xã, người dân, chúng ta cũng phải thay đổi và có cách tiếp cận mới thông qua công nghệ thông tin sẽ đem lại hiệu quả hơn trong truyền thông chính sách", Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem