Kế hoạch cung ứng điện năm 2021, với tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc bao gồm cả sản lượng điện mặt trời mái nhà là 262,410 tỷ kWh, tăng khoảng 5,8% so với năm 2020. Dự kiến, điện thương phẩm toàn quốc bán cho khách hàng sử dụng điện cuối cùng và cho các đơn vị bán lẻ điện là 226,27 tỷ kWh, tăng hơn 5% so với năm 2020 – như vậy, nguồn cung đã vượt cầu và hệ thống nguồn điện của nước ta đã có dự phòng.
Về tiêu thụ điện, từ cuối năm 2020 đến nay ở mức thấp và dự báo còn thấp. Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam thì năm 2020 là năm có mức tăng trưởng tiêu thụ điện thấp nhất trong 10 năm gần đây. Ví như sản lượng tiêu thụ điện ở TP Hồ Chí Minh tăng trưởng âm, lũy kế mức tăng trưởng chỉ còn - 0,98% so với chỉ tiêu đặt ra khoảng 6%.
Cung tăng nhanh, cầu giảm mạnh, giảm đột ngột đã làm cho ngành điện đối diện với bài toán mới – bài toán thừa điện do nguồn cung tăng mạnh từ điện mặt trời mái nhà, khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng vào giờ cao điểm. Mùa hè đã đến, lượng tiêu thụ điện năng sẽ tăng, nhưng mùa mưa, lũ bão… tiêu thụ điện sẽ giảm, đồng thời người tiêu dùng đang trong xu hướng giảm tiêu dùng vật chất, tăng tiêu dùng cho bảo vệ sức khỏe. Nếu so đi, tính lại thì việc giảm giá điện là hợp lý và chính đáng trong thời điểm này!
Còn nhớ 10 năm qua (2011- 2020) thiếu điện, giá điện đã tăng giá 9 lần; trong 9 lần đó, có 5 lần tăng vào thời điểm tháng 4 đầu mùa hè. Lần giá điện tăng cao nhất là 17,39%, sau đó, giá điện tiếp tục tăng 5% trong 2 năm.
Trong 10 năm, giá điện đã tăng gấp 2, từ 948,5đồng/Kwh lên 1.864,5 đồng/Kwh. Tác động của giá điện tăng đã đẩy chỉ số tiêu dùng tăng 0,26% - 0,31%, chỉ số giá sản xuất tăng 0,15 – 0,19% và làm cho tổng sản phẩm nội địa (GDP) giảm 0,22 - 0,25%.
Vì vậy, khi điện thừa thì việc giảm giá điện là hợp lý! Bởi như vậy sẽ mở ra triển vọng nhiều hơn việc dùng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có giá thành rẻ để người tiêu dùng được hưởng lợi. Giảm giá điện sẽ giúp cho ngành điện chia sẻ khó khăn với khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19; đồng thời, giảm thiệt hại cho các nhà đầu tư sản xuất điện năng lượng tái tạo mà vẫn đảm bảo mục tiêu giữ an toàn cho hệ thống truyền tải điện quốc gia khi dư thừa quá nhiều dễ làm đứt gãy hệ thống điện. Giảm giá điện là giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, là khuyến khích sản xuất kinh doanh. Xét về nguyên lý và thực tiễn, khi cung lớn hơn cầu thì giá sẽ giảm. Điện cũng phải tuân thủ khách quan này.
Giá điện của Việt Nam gồm 4 thành tố: Phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, quản lý ngành và phụ trợ. Trong đó, khâu phát điện chiếm tỷ lệ áp đảo khoảng 60 - 65% chi phí cấu thành giá điện. Thực tế, chi phí khâu này đang giảm bởi áp dụng công nghệ mới. Hơn nữa, Nghị quyết 55-NQ/TW định hướng tương lai cần giảm sản xuất điện nhiệt than, tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong bảo vệ môi trường - tức là giá mua điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm, thì tại sao không điều chỉnh giảm giá bán điện cho người dân?
Tuy nhiên, chính sách giá điện phải giải quyết "đa mục tiêu" nên việc giảm giá như thế nào, bao nhiêu cần được tính toán kỹ, để bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng, sự phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.