Chiều qua (25.10), Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh theo thứ tự các khối: Chủ tịch nước; Quốc hội; Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2018/images/2018-10-25/Ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-Tu-soi-vao-do-de-tu-sua-tu-khac-phuc-anh12-1540448151-width768height497-1540468384-width768height497.jpg)
Ban Kiểm phiếu làm việc sau khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín (Ảnh: Lê Hiếu).
Mỗi chức danh được đại biểu bỏ phiếu theo 3 mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Theo kết quả công bố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục đứng đầu về mức độ tín nhiệm. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bị đánh giá tín nhiệm thấp nhất.
Phản ánh tương đối chính xác thực tế
Đánh giá về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng kết quả vừa phản ánh được cái chung của cả khối nhưng cũng phản ánh được cái riêng của từng vị đại biểu.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2018/images/2018-10-25/Ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-Tu-soi-vao-do-de-tu-sua-tu-khac-phuc-nguyen-duc-ha_ilaa-1540468013-width640height499.jpg)
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: IT
“Thứ nhất, về từng khối ví dụ như các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội phiếu lần này rất cao, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cũng như các đồng chí Chủ nhiệm các Uỷ ban đều cao. Vì ai cũng thấy rằng, Quốc hội làm việc thể chế, ban hành pháp luật rất rõ, rất nhiều văn bản pháp luật được Quốc hội chuẩn bị và thông qua.
Thứ hai, khối hành pháp, tức là khối Chính phủ, đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng đạt phiếu tín nhiệm cao. Điều này phản ánh thực trạng, thực tế của đất nước rõ ràng trong nửa đầu nhiệm kì thực hiện Nghị quyết lần thứ 12 của Đảng, tình hình kinh tế đất nước phát triển đúng hướng, chắc chắn đem lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Thứ ba, về khối Tư pháp, rõ ràng cũng phản ánh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng phát động và chỉ đạo đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Cho nên cả tập thể, một khối cũng như cá nhân từng đồng chí cũng có những chuyển biến rõ ràng hơn, tiến triển rõ rệt hơn các lần trước” - ông Hà cho hay.
Đồng quan điểm với ông Hà, ông Đỗ Mạnh Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, ông cũng đã hai lần vinh dự được tham gia lấy phiếu tín nhiệm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước.
“Tôi nhớ, lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, năm 2013 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó có nói là "Quốc hội đã hoàn thành trọng trách đối với nhân dân và cử tri", tức là kết quả lấy phiếu lúc đó đã phản ánh, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế xã hội trên mọi phương diện lĩnh vực. Nếu soi nhận định đó vào kì lấy phiếu tín nhiệm lần này thì đánh giá đó vẫn phù hợp. Quốc hội một lần nữa hoàn thành được trọng trách trước nhân dân và cử tri” – ông Hùng nhận định.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2018/images/2018-10-25/Ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-Tu-soi-vao-do-de-tu-sua-tu-khac-phuc-do-manh-hung-1540468207-width640height432.jpg)
Ông Đỗ Mạnh Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: IT
Tự soi vào đó để tự sửa, tự khắc phục
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhận thấy rằng đã có sự nỗ lực của 3 khối (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Đặc biệt là sự phối kết hợp, thông tin giải trình của các khối, nhất là khối hành pháp được quan tâm hơn.
“Đúng như Thủ tướng đã xác định ngay từ đầu nhiệm kì là xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính và các hoạt động của Chính phủ cơ bản được công khai với người dân, cho nên cử tri cũng có nhiều kênh thông tin, điều kiện để giám sát không chỉ giám sát hoạt động của Quốc hội-Cơ quan lập pháp mà còn giám sát được cả hoạt động, kết quả của khối hành pháp và tư pháp với những kết quả rất phấn khởi” – ông Hùng nhấn mạnh.
Đánh giá về điều khiến phiếu tín nhiệm cao tăng, số phiếu tín nhiệm thấp giảm, ông Hùng cho rằng có 3 nguyên nhân rất đáng quan tâm.
Thứ nhất, bản thân sự nỗ lực của khối hành pháp: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên của khối Chính phủ đều xác định các mục tiêu dài hạn trong nhiệm kỳ để từng ngành, từng lĩnh vực hướng tới. Qua thực tế nửa nhiệm kỳ chúng ta thấy rằng các mục tiêu đó đang được thực hiện với các nguồn lực, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của người đứng đầu cũng như các thành viên của Chính phủ.
Thứ hai, mối liên hệ giữa các ban, ngành và các cấp được cải thiện rất nhiều. Quốc hội cũng có điều kiện tiếp cận, nắm bắt những phát triển, những bức xúc, thậm chí là những vướng mắc để cùng với bên hành pháp xử lý kịp thời. Ví dụ như việc sửa đổi luật Doanh nghiệp, từ đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã lắng nghe và có những sửa đổi để công việc tốt hơn, đẩy mạnh sự phát triển xã hội.
Thứ ba, yếu tố rất quan trọng đó là bộ máy nhà nước ngày càng công khai, gần dân hơn cho nên người dân không những là người giám sát mà còn là kho tàng trí tuệ, nguồn lực rất lớn để có ý kiến, đóng góp để cho cơ quan nhà nước có thể áp dụng vào trong công việc.
Nói về việc vẫn còn một số Bộ trưởng còn có một số phiếu tín nhiệm thấp khá cao như Bộ GDĐT, Bộ GTVT,…ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở nhận định: Đã là phiếu tín nhiệm thì sẽ có người cao người thấp, không có gì là tuyệt đối nhưng nó tương đối cũng cho chúng ta những suy nghĩ.
“Muốn hay không muốn những đồng chí nhận được phiếu tín nhiệm thấp, dù nhiều hay ít thì đều phải đặt ra dấu hỏi cho mình để tự soi vào đó để tự sửa, tự khắc phục”- ông Hà nhấn mạnh.
“Rõ ràng ở đây, phải khẳng định, từ kết quả của những lần lấy phiếu tín nhiệm ở các kỳ trước rõ ràng tín nhiệm cao đã tăng lên còn tín nhiệm thấp đã giảm đi. Theo đó, về mặt bằng chung chúng ta phải đánh giá rõ ràng đây là một tác dụng để người tốt còn tốt hơn còn người có khuyết điểm giảm bớt khuyết điểm, phấn đấu vì cái chung, phải hành động quyết liệt, đúng đắn hơn nữa để đáp ứng được nguyện vọng của người dân” – ông Hà nhấn mạnh thêm.
Theo Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.
Trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm trước vào năm 2013, 2014, chưa có trường hợp nào có kết quả lấy phiếu tín nhiệm với quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định. Đồng thời, cũng chưa có trường hợp nào có kết quả từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.