Dinh dưỡng phù hợp cho lúa thơm

Thứ sáu, ngày 23/08/2013 10:46 AM (GMT+7)
Khi bón phân cho lúa thơm, bà con đặc biệt chú ý không bón thừa phân đạm. Nguyên tắc bón theo nhu cầu của cây lúa vào các thời điểm sinh trưởng.
Bình luận 0
Lúa thơm hay còn gọi lúa đặc sản bao gồm nhóm các giống lúa như tám thơm, dự, tám xoan, nàng thơm chợ đào, nàng hương, một bụi đỏ, trắng chùm; Jasmine, DS 10, DS 20, một số giống ST đặc sản (ST5, ST19, ST20...), các giống nếp cái hoa vàng, nếp ba giăng, nếp CK 92 (Phú Tân, An Giang)... Đây đều là những loại lúa chất lượng cao, hạt gạo khi ăn có vị ngọt, thơm lừa, mềm dẻo,... khá được thị trường ưa chuộng nên mấy năm gần đây sản lượng xuất khẩu cũng tăng lên nhiều.

Nông dân đang đi thực địa, học tập các mô hình trồng lúa thơm ở ĐBSCL.
Nông dân đang đi thực địa, học tập các mô hình trồng lúa thơm ở ĐBSCL.

Khi chọn giống lúa gieo trồng, bà con nên chọn mua tại các cơ sở uy tín, đạt tiêu chuẩn lúa giống cấp xác nhận hoặc nguyên chủng theo quy định của Bộ NNPTNT. Bởi các giống lúa thơm bị giảm phẩm chất trong thời gian gần đây, một là do bà con tự để giống nên độ thuần giống không còn đảm bảo; hai là do các giống lúa thơm sản xuất qua nhiều năm, tạp giao và tự thoái hóa nên phẩm chất giảm. Trường hợp này, cần có cơ quan chuyên môn phục tráng giống để duy trì và ổn định chất lượng các giống lúa thơm.

Khi bón phân bà con đặc biệt chú ý không bón thừa phân đạm. Nguyên tắc bón theo nhu cầu của cây lúa vào các thời điểm sinh trưởng (mạ, đẻ nhánh, tượng đòng). Có thể dùng các loại phân chuồng, hữu cơ, phân vi lượng, vi sinh rất tốt cho tính thơm của gạo.

Lượng phân bón cho 1ha đối với lúa thơm cao sản ngắn ngày (như DS 10, Jasmine, các giống nếp ngắn ngày…) là: Với đất phù sa vụ đông xuân (ĐX) bón: 90 - 100kg N + 40 - 50kg P2O5 + 30 - 50kg K2O, vụ hè thu (HT) và thu đông (TĐ) bón: 70 - 90kg N + 50 - 60kg P2O5 + 30 - 50kg K2O.

Với đất phèn nhẹ vụ ĐX bón 80 - 100kg N + 40 - 60 kg P2O5 + 30 - 50kg K2O; vụ HT và TĐ: 70 - 80kg N + 50 - 60kg P2O5 + 30 - 50kg K2O.

Đất phèn trung bình vụ ĐX bón 60 - 80kg N + 40 - 60kg P2O5 + 30 - 50kg K2O; vụ HT và TĐ: 60 - 70kg N + 60 - 80 P2O5 + 30 - 50kg K2O.

Cần bón lót bổ sung phân hữu cơ các loại càng nhiều càng tốt nhằm cải tạo đất. Bón thúc chia làm 3 đợt bón chính: 7 – 10 ngày sau sạ (NSS), 18 – 22 NSS và 40 – 45 NSS. Tính lượng phân thương phẩm để bón dựa vào tỷ lệ phân nguyên chất từng loại là 46% urea, 16,5% lân, và 60% kali. Ví dụ vụ TĐ theo liều lượng bón ở trên sẽ có lượng phân thương phẩm tương ứng là từ 152 - 196kg urea + 300 - 360kg lân + 50 - 83 kg kali.

Đối với lúa mùa thơm dài ngày, bón lót phân hữu cơ vi sinh từ 80 - 100kg/ha. Hạn chế bón phân hóa học. Liều lượng bón phù hợp cho 1ha lúa là 40kg urea + 30kg DAP + 80kg 20-20-15 và chia ra bón 3 lần lúc lúa 10 ngày, 25 ngày và 45 NSS.
TS Nguyễn Công Thành (TS Nguyễn Công Thành)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem