DN lấp dòng chảy của sông: Người nuôi trồng thủy sản “kêu cứu”

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 22/05/2017 10:50 AM (GMT+7)
Thời gian qua, doanh nghiệp đã ồ ạt đổ đất, đá lấp dòng chảy trên nhánh sông Hà Thanh (TP.Quy Nhơn, Bình Định) để thi công dự án. Điều này, khiến nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản lâm vào cảnh mất mùa, không thể sản xuất do môi trường nước lợ phục vụ cho việc nuôi trồng bị ngọt hóa.
Bình luận 0

Nông dân chịu thiệt

Theo phản ánh của người dân địa phương, việc đơn vị thi công cầu Hoa Lư và cầu Điện Biên Phủ tiến hành đổ đất, đá trên nhánh sông Hà Thanh (TP.Quy Nhơn) để phục vụ thi công đã làm lấp dòng chảy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản. Đến nay, tại khu vực 6 (phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn) có đến 9,5ha/10 hộ nuôi trồng thủy sản không thể nuôi trồng vì độ mặn của nước không đảm bảo.

img

Để thi công cầu Hoa Lư, đơn vị thi công đã đổ đất lấp dòng chảy của sông Hà Thanh. Ảnh: Dũ Tuấn

Bà Hồ Thị Nữ- cán bộ khuyến ngư phường Nhơn Phú, cho biết, lúc đơn vị thi công chưa đổ đất, cát lấp sông thì nguồn nước trên nhánh sông Hà Thanh dẫn về khu nuôi trồng thủy sản (phường Nhơn Phú) rất ổn định. Độ mặn dao động từ 18-20(‰), phù hợp cho nuôi trồng thủy sản nước lợ. Thế nhưng, từ khi đoạn sông Hà Thanh bị chặn dòng, nguồn nước ở vùng nuôi bị ngọt hóa trầm trọng. Độ mặn của nước ở khu này chỉ dao động từ 0-2(‰) không đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản.

img

Nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản không thể sản xuất vì doanh nghiệp lấp sông Hà Thanh để thi công dự án. Ảnh: Dũ Tuấn

Ông Lê Kim Thắng (54 tuổi, trú phường Nhơn Phú) nói: “Từ đầu năm 2017 đến nay, tôi nuôi 2 đợt trên diện tích mặt nước 7.800m2, mỗi đợt thả khoảng 20.000 con tôm thẻ chân trắng, 3.000 con cua và 1.000 con cá chua. Nhưng thả đợt nào tôm, cá cũng chết sạch, thiệt hại hơn 20 triệu đồng. Rất nhiều hộ dân lâm vào cảnh thua lỗ và không thể nuôi trồng thủy sản được nên chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương kiểm tra, có biện pháp khắc phục để ngăn và điều tiết nguồn nước ngọt”.

Hồ sơ chưa có, đã vội lấp sông?

Theo ông Lê Anh Sơn- Phó chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn, dòng sông Hà Thanh tại khu vực thi công cầu Hoa Lư, trước khi thi công có chiều rộng trên 100m.

“Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại khu vực này (vào ngày 22.3), đơn vị thi công đã đổ đất lấp 2 bên sông, khẩu độ còn lại chỉ khoảng 18m và độ mặn phía thượng lưu công trình cầu Hoa Lư là 0%o vì nước ngọt trên vùng thượng lưu ứ đọng, thoát không hết ra đầm Thị Nại. Vì vậy, đoàn đã đề nghị đơn vị thi công đào múc đất để mở rộng khẩu độ dòng sông Hà Thanh tại công trình thi công  là 40m, độ sâu tại khẩu độ mở rộng đảm bảo hiện trạng ban đầu khi chưa thi công, thời gian hoàn thành trước ngày 25.3. Nhưng đến ngày 26.3, theo báo cáo của UBND phường Nhơn Phú thì đơn vị thi công vẫn chưa khắc phục”- ông Sơn cho hay.

img

Đơn vị thi công dùng xe ủi đá, lấn dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh. Ảnh: Dũ Tuấn

Liên quan đến việc thi công lấp, lấn dòng chảy nhánh sông Hà Thanh (TP.Quy Nhơn), ngày 18.5, Sở xây dựng Bình Định cùng các đơn vị liên quan đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trường 3 dự án đang triển khai tại nhánh sông này.

Theo đó, tại dự án cầu Hoa Lư, đoàn kiểm tra kiến nghị tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh Bình Định, yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công phần hạ bộ để đảm bảo tiêu thoát lũ trước mùa mưa, đảm bảo lấy nước mặn cho bà con phường Nhơn Phú để nuôi trồng thủy sản. Đoàn cũng đã đề nghị, Ban quản lý Dự án giao thông tỉnh phối hợp với TP.Quy Nhơn kiểm tra thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương (nếu có).

Tại dự án thi công cầu Điện Biên Phủ, đoàn kiểm tra cho hay, dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh đã được đơn vị thi công lấp gần như toàn bộ, chỉ chừa lại 1 đoạn khoảng 5m và 2 cống đường kính 1.000 mm. Nhà đầu tư đã triển khai thi công nhưng hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, biện pháp thi công lại chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chưa có ý kiến của đơn vị quản lý nhà nước.

Vì vậy, đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo Công ty TNHH Phúc Lộc tạm dừng thi công. Trong quá trình dừng thi công, đề nghị chủ đầu tư có biện pháp đảm bảo tiêu thoát lũ cho nhánh sông Hà Thanh và người dân phường Nhơn Phú phía thượng lưu, lấy nước mặn để nuôi thủy sản, đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý về điều kiện khởi công xây dựng công trình, khi nào đầy đủ mới được tiếp tục thi công.

img

Nhà đẩu tư đã cho thi công Dự án cầu Điện Biên Phủ nhưng hồ sơ chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chưa có ý kiến của đơn vị quản lý nhà nước. Ảnh: Dũ Tuấn 

Tại Dự án kè chống sạt lở và cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ ngập úng sông Hà Thanh, nhà thầu đã thi công phần đê quai và chân kè lấn dòng chảy sông làm ảnh hưởng đến dòng chảy của nhánh sông Hà Thanh, gây nguy cơ ngập phía thượng lưu khi xảy ra lũ. Trước tình trạng đó, đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án NN&PTNT phối hợp với đơn vị thi công kiểm tra toàn bộ biện pháp thi công đã được phê duyệt có đúng với đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay không. Biện pháp thi công đê quai không có tường chắn làm vật liệu thi công lấn dòng chảy rất nhiều, Ban Quản lý dự án NN&PTNT cần kiểm tra lại toàn bộ tim tuyến đê kè đã được phê duyệt, phối hợp với đơn vị thi công giải phóng mặt bằng để đảm bảo giao mặt bằng sạch trước khi thi công, không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên!

Dự án đường Ðiện Biên Phủ nối dài được UBND tỉnh phê duyệt tháng 6.2015, dài hơn 2,2km (trong đó cầu Ðiện Biên Phủ dài 151m, rộng 42,5m). Công trình do liên doanh Tập đoàn Phúc Lộc-Thành An đầu tư theo hình thức BT. Công ty TNHH Ðầu tư Phát triển Phú Hòa làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Phúc Lộc trực tiếp thi công.

Dự án cầu Hoa Lư do Sở GTVT Bình Định làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh làm đại diện chủ đầu tư. Công ty TNHH Ðinh Phát và Công ty TNHH Ðống Ða liên doanh thi công. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem