Dự án nhà máy phân bón hơn 5.000 tỷ đồng chậm tiến độ: Sẽ đưa nhau ra tòa phân xử?

Thứ ba, ngày 03/09/2013 13:21 PM (GMT+7)
Dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, chủ đầu tư và liên danh chính lại “ép” nhà thầu phụ là Tổng Công ty VINAINCON ra khỏi dự án, khiến nhiều hạng mục dở dang bị ngâm nước, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nhà thầu.
Bình luận 0

Nhiều nguyên nhân chậm tiến độ

Như Dân Việt đã thông tin về dự án Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Điamôn Phốt-phát số 2 (viết tắt là DAP2) ở khu công nghiệp Tằng Loỏng, Bảo Thắng, Lào Cai chậm giao thiết kế, thiết kế thiếu đồng bộ, không phù hợp với thực tế công trường và các nguyên nhân khách quan khác dẫn đến các hạng mục thi công của nhà thầu Tổng Cty VINAINCON bị chậm tiến độ.

Nhiều thiết kế không phù hợp dẫn đến thi công chậm tiến độ.
Nhiều thiết kế không phù hợp dẫn đến thi công chậm tiến độ.

Chủ đầu tư là Cty Cổ phần DAP2 -Vinamchem đã có hợp đồng cho nhà thầu liên danh gồm 5 thành viên: Cty TNHH công chúng cổ phần Toyo- Thai (TTCL, đại diện đứng đầu liên danh), Cty TNHH Kỹ thuật và đóng tàu MITSUI (MES), Cty TNHH Toyo - Việt Nam (TVC), Cty Cổ phần thiết kế Công nghiệp hóa chất (CECO), Tổng Cty Cổ phần xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON).

Nhà máy phân bón DAP2 Lào Cai là loại hình dự án cổ phần với sự điển hình về huy động vốn 100% trong nước. Tổng mức đầu tư xây dựng dự án lên đến 5.170 tỷ đồng, trong đó: 1.500 tỷ đồng vốn điều lệ của các cổ đông sáng lập đóng góp (gồm Tập đoàn Hóa chất Việt Namgóp 51%, Cty Cổ phần Nam Việt 39%, Công ty Apatít Việt Nam6% và các cổ đông khác 4%). Nguồn vốn còn lại được vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Cổ phần thương mại Công thương ViệtNam(Vietinbank).

Trong quá trình thi công các hạng mục Tổng cty VINAINCON thừa nhận là có chậm tiến độ, với lý do nhận được thiết kế kỹ thuật từ nhà thầu CECO chậm gần 5 tháng so với quy định, phần thiết kế cọc của nhà thầu CECO có nhiều điểm chưa hợp lý như: Không có đai thép đỉnh cọc (đốt cuối), nhiều cỡ cọc khác nhau trong cùng một hạng mục, sức chịu tải tính toán của cọc quá lớn, sát với giới hạn bền của vật liệu, chiều dài cọc thay đổi nhiều so với thiết kế được.

Tổng cty VINAINCON nhiều lần đề nghị xử lý về vấn đề này nhưng chủ đầu tư, CECO, TTCL không có hướng khắc phục điều này đẫn đến khó khăn cho VINAINCON khi thi công đóng cọc. Để khắc phục vấn đề đó, Tổng cty VINAINCON phải xử lý hiện trường đối với phần khiếm khuyết thiết kế này là: Hàn nối thép mũ cọc, trát sika, xử lý tổ hợp nhiều loại cọc khác nhau trên cùng một tim cọc….

Tranh cãi giữa các nhà thầu

Chưa chia sẻ khó khăn chung, ngày 1.8, đại diện đứng đầu liên danh là nhà thầu TCCL ký văn bản số F032- TTCL (H)- DAP 2 (H)- L- 0272 (viết tắt là số 0272) gửi chủ đầu tư DAP 2 - VINACHEM, với nội dung đề xuất chấm dứt hợp đồng với Tổng cty VINAINCON vì không đáp ứng được tiến độ công trình và đề nghị chủ đầu tư bàn giao nhà thầu CECO tiếp tục phần việc của Tổng cty VINAINCOM.

Tiếp đó, ngày 3.8, ông Đồng Văn Quyết - Tổng Giám đốc của DAP2 - VINACHEM có văn bản số 986/CV- DAP2 đồng ý với TCCL về việc chấm dứt hợp đồng đối với VINAINCON và để nhà thầu liên danh chuyển giao công việc còn lại của VINAINCON cho các thành viên khác trong liên danh thực hiện.

Chi phí đầu tư của Tổng cty VINAINCON vào dự án tính đến đầu tháng 8.2013 là khoảng 20 tỷ đồng. Việc thi công bị dừng từ đầu tháng 8 gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng cho nhà thầu.

Đại diện Tổng cty VINAINCON cho rằng nhà thầu TTCL đã ra văn bản số 0272 đề nghị chủ đầu tư đồng ý chấm dứt hợp đồng với Tổng cty VINAINCON và việc chủ đầu tư ra văn bản chấp nhận đề nghị của TTCL mà không hề được thông báo, đàm phán với họ là hết sức áp đạt, phiến diện.

Ông Nguyễn Mạnh Cường- Giám đốc dự án của Tổng cty VINAINCON cho biết: “Chỉ đến khi ông làm việc với ông Mitsuaki Asada là Giám đốc dự án nhà thầu TTCL và đề nghị ông này cung cấp thì chúng tôi mới biết có văn bản số 0272, trong đó nêu nhiều lỗi có tính quy chụp cho chúng tôi dẫn đến tiến độ thi công chậm. Chúng tôi cho rằng đây là cách làm việc không chuyên nghiệp thiếu tôn trọng lẫn nhau của TTCL và chủ đầu tư”.

Sau khi biết mình bị chấm dứt hợp đồng, Tổng cty VINAINCON liên tiếp gửi các văn bản cho chủ đầu tư DAP 2 khiếu nại và chỉ rõ các lý do dẫn đến chậm tiến độ, trách nhiệm của nhà thầu CECO, TTCL, cũng như giải trình các bất cập về mặt khách quan dẫn đến chậm tiến độ.

Tuy nhiên, DAP2 không hề trả lời khiếu nại. Đáng nói hơn, DAP 2 lại có văn bản yêu cầu Tổng cty VINAINCON phải bàn giao hiện trường, phần việc đã thi công để cho nhà thầu CECO thực hiện công việc còn lại.

Trong khi đó, việc giải quyết những khúc mắc này được quy định tại điều 20 của thỏa thuận hợp đồng của các bên đã ký khi thực hiện dự án. Các bên phải gửi văn bản khiếu nại, cử ban xử lý tranh chấp để giải quyết, tiến hành hòa giải, lắng nghe quyết định của ban xử lý tranh chấp. Trường hợp nếu các bên không đồng ý thì có quyền đưa tranh chấp ra cơ quan trọng tài.

Tuy nhiên, theo phản ánh thì đến nay vẫn chưa có bất kỳ một ban xử lý tranh chấp nào được tổ chức để xử lý việc này. Tổng cty VINAINCON cho biết là đang tính đưa vụ việc ra tòa để xử lý.

Bảo Lâm (Bảo Lâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem