Người muốn xây nhà để ở thì không xây được vì không có cơ sở hạ tầng thiết yếu; người muốn bán cũng không thể vì chẳng ai muốn mua; người đã trót ở thì chịu cảnh khổ sở trăm bề. Đó là tình cảnh của hàng trăm hộ dân có nhà, hoặc đất tại khu vực cảng 10/10, phường Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Ở không được, đi cũng chẳng xong
Ông Tô Như Tùng (tổ 84, khu 7A phường Cẩm Phú) cho biết: “Tôi mua lại lô đất này của ông M (công nhân mỏ Cọc Sáu) từ năm 2000, rồi đến năm 2010 tôi là người đầu tiên xây nhà trong dự án Khu dân cư cảng 10/10. Toàn bộ khu đất đến nay, ngoại trừ chỗ nào mọc nhà lên, thì vẫn như hồi còn cảng than, không có bất kỳ tác động nào của chủ đầu tư!”.
Lý do chưa thực hiện xong cơ sở hạ tầng, giao mặt bằng sạch cho người dân xây dựng nhà được Công ty than Cọc Sáu lý giải là do không có vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng vì đầu tư ngoài ngành trái với hướng dẫn của Chính phủ và TKV. Ảnh Nguyễn Qúy
Liền kề nhà ông Tùng là nhà bà Khoa Thị Măng. Bà Măng kể: “Năm 2015, gia đình tôi mới về đây xây nhà ở, khi đó cả khu đất hoang vu như nghĩa địa, lau sậy mọc cao quá đầu người, hoàn toàn không có đường, điện, nước”.
Tuy nhiên, theo bà Măng được biết, trong thiết kế có khu vườn hoa, cách đó 300m về hướng Nam là khu thể thao; đường giao thông, vỉa hè; công trình công cộng… Nhưng trên thực tế, tất cả các trên đến nay chỉ là lau sậy, hoàn toàn không có mặt bằng (!).
Còn ông Trương Văn Thành, công nhân Mỏ than Cọc Sáu đã nghỉ hưu, hộ chính chủ mua đất từ năm 1994 và đã được cấp GCNQSDĐ, cho biết: “Khi chúng tôi nộp tiền phân đất, đại diện Mỏ than Cọc Sáu cam kết sẽ nhanh chóng tôn tạo, xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, công nhân xây nhà ở trong dự án”.
Người dân đã nộp tiền cho chủ đầu tư, tuy nhiên hạ tầng vẫn là "hoang phế'. Ảnh Ngô Hùng.
Cam kết là vậy, nhưng qua nhiều năm, mặc dù rất muốn xây nhà tại khu vực cảng 10/10 nhưng ông Thành và vợ là bà Luyến (cả 2 đều là công nhân Mỏ than Cọc 6 đã nghỉ hưu) vẫn không thực hiện được, chỉ vì hạ tầng trong khu đất quá yếu kém. Mãi đến năm 2014, khi con cái đã trưởng thành, nhu cầu về nhà ở trở nên bức bách, ông Thanh đành tự bỏ chi phí tôn tạo để xây nhà.
22 hộ dân đã xây dựng nhà ở tại dự án khu dân cư tự xây cảng 10/10 đồng loạt phản ánh về việc phải sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề do không có đường giao thông, toàn bộ vẫn là đường đất lầm bụi; điện và nước sinh hoạt phải tự bỏ tiền chi phí đấu nối từ xa nên rất yếu… Gần 400 hộ còn lại đã nộp tiền và cấp GCNQSDĐ cũng bức xúc về việc không thể bán đất hoặc xây dựng nhà ở, cũng vì lý do trên.
Hơn 20 năm chỉ làm được … rãnh nước
Tại buổi làm việc với Công ty CP than Cọc 6 vào chiều 2.11, đại diện phía Công ty là ông Nguyễn Thế Đức – Phó trưởng phòng Đầu tư xây dựng, cho biết: Công ty CP than Cọc Sáu có 1 khu dân cư bãi biển cọc 6, thuộc phường Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp đất theo quy hoạch gồm 4 đợt vào các năm 1994, 1995, tổng diện tích là 180.000m2.
Ông Nguyễn Thế Đức trong buổi làm việc với phóng viên Dân Việt. Ảnh Ngô Hùng
Ngày 13.10.1994, Chủ đầu tư đã tổ chức hội nghị xét duyệt giá đất dựa trên thiết kế, dự toán các công trình hạ tầng (gồm thoát nước, cấp nước, điện, đổ đất san gạt, chi phí lập quy hoạch) để tính giá tiền các hộ phải nộp.
Dự toán xây dựng hạ tầng cơ sở công trình (đường, điện, cấp thoát nước) được Công ty Than Cẩm Phả (đơn vị chủ quản của Mỏ cọc Sáu lúc đó) phê duyệt tại Quyết định số 1025 ngày 18.4.1995 với giá trị gần 7 tỷ đồng, nguồn vốn do dân tự đóng góp và một phần tiền đất do TX.Cẩm Phả (nay là TP.Cẩm Phả) để lại.
Ngay sau đó, chủ đầu tư đã thực hiện phân đất và thu tiền của các hộ (gồm các khoản: Tôn tạo, hạ tầng cơ sở, lệ phí địa chính và lệ phí sử dụng đất, trước bạ. Tổng số tiền thu từ 402 hộ sử dụng đất là 4.862.979.000 đồng.
Khi PV đặt câu hỏi số tiền này đã được sử dụng ra sao, ông Đức cho biết đã chi hơn 1,7 tỷ đồng vào các khoản: Phí nộp cho thị xã, chi phí san gạt, thiết kế quy hoạch, tiền thưởng và một số khoản chi khác. Số tiền dư còn lại là hơn 3 tỷ đồng.
Vậy trong số hơn 1,7 tỷ đồng này, chủ đầu tư đã thực hiện hạng mục cơ sở hạ tầng nào chưa? Ông Đức cho biết, mới chỉ thực hiện xây dựng rãnh thoát nước khu A, còn với khu B chưa động chạm gì đến. “Khu B đã có hộ nào mua đâu mà cần xây dựng hạ tầng (!?)” – ông Đức lý giải.
Viện dẫn cho việc không hoàn thiện hạ tầng theo quy hoạch Dự án, đại diện Công ty than Cọc Sáu nêu lý do: “Số ô đất còn lại chưa cấp là 260 ô, chưa thu đủ tiền để san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng, vì thế Công ty chưa tổ chức thi công hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu dân cư bãi biển cọc 6. Hiện nay Công ty không có vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng vì đầu tư ngoài ngành trái với hướng dẫn của Chính phủ và TKV (?)”.
Trong khi chờ đợi hướng giải quyết của Công ty than cọc sáu thì bãi đất vẫn bị bỏ hoang phế và nỗi bức xúc của người dân. Ảnh Ngô Hùng
Bất lực tìm nguồn lực?
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lưu Hoàng Linh – Phó chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Vào tháng 9.2017, đoàn Thanh tra tỉnh đã tiến hành làm việc với Công ty CP than Cọc Sáu, qua đó thanh tra toàn bộ dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu dân cư tự xây cảng 10/10 do Công ty này làm chủ đầu tư. Hiện chúng tôi đã có dự thảo kêt luận trình UBND tỉnh”.
Theo ông Linh, điều mà chủ đầu tư là Công ty CP than Cọc Sáu cũng thừa nhận, đó là quá trình thực hiện dự án đã để dây dưa kéo dài, không xây dựng hạ tầng trong khi đã thu tiền trước của dân. Công ty cũng không thực hiện báo cáo với cơ quan chức năng để giải quyết các vướng mắc trong quá trình đầu tư, xây dựng công trình.
“Vấn đề khó khăn hiện nay, đó là thống nhất quan điểm để có nguồn lực đầu tư, bởi trong quá trình cổ phẩn hóa, nguồn lực đầu tư bên ngoài của Công ty gần như không còn nữa” – ông Linh nói.
Theo nguồn tin của Dân Việt, báo cáo về tổng số tiền thu từ góp vốn, chuyển quyền sử dụng đất của chủ đầu tư là 4,8 tỷ đồng, nhưng qua kiểm tra, tổng thu thực tế là 6,82 tỷ đồng. Trong đó có một số khoản đơn vị chưa đưa vào báo cáo.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.