Đưa ngành thủy sản “vượt sóng” biến đổi khí hậu

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 25/11/2021 19:05 PM (GMT+7)
Biến đổi khí hậu đang là thách thức rất lớn trong khai thác và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Tại ĐBSCL, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở khu vực này, với hàng nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tác động...
Bình luận 0

Giảm năng suất và chất lượng vật nuôi

Với những lợi thế về mặt tự nhiên, vùng ĐBSCL có tiềm năng rất lớn phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). 

Tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS ở ĐBSCL khoảng trên 1,3 triệu ha, trong đó nuôi mặn, lợ khoảng 886.000ha (chiếm 89% so với diện tích tiềm năng nuôi mặn lợ của toàn quốc), nuôi ngọt khoảng 480.000ha (chiếm 52% so với diện tích tiềm năng của toàn quốc).

Tổng sản lượng NTTS của ĐBSCL chiếm trên 70% so với cả nước, nhiều mô hình nuôi công nghệ cao đã triển khai và thu được những kết quả khả quan, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với các tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Hiện tượng nước biển dâng, các đợt nắng nóng, mưa lớn trên diện rộng, dông mạnh kèm theo lốc xoáy, sét, khan hiếm nguồn nước ngọt... xảy ra bất thường và rộng khắp ở các tỉnh/thành phố trong vùng.

Đưa ngành thủy sản “vượt sóng” biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly

"Việc phát triển ngành ngư nghiệp có thể thích ứng với khí hậu là hành động quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện để giúp các quốc gia đối phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu".

TS Kendra Karr

Cùng với đó là hiện tượng triều cường gây tình trạng ngập lụt, sạt lở bờ sông... Thời tiết hiện diễn ra trái quy luật, thất thường và hầu như không dự đoán được theo kinh nghiệm truyền thống. 

Nắng kéo dài, gay gắt hơn, mưa nhiều, mưa lớn hơn, nước mặn cũng ngày càng xâm nhập sâu hơn, bão lũ xuất hiện nhiều hơn và kéo dài hơn.

Nước biển dâng làm thay đổi môi trường sống nhiều loài sinh vật biển và ven biển. Quá trình xâm nhập mặn vào nội đồng diễn ra sâu rộng và thời gian kéo dài hơn, đặc biệt là các tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân.

Trong năm 2020, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tại một số tỉnh, thành phố ở ĐBSCL đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đặc biệt là nuôi tôm. Cụ thể, tỉnh Cà Mau thiệt hại 2.161ha, trong đó tôm sú hơn 2.100ha, tôm thẻ chân trắng 17ha, nghêu 1ha và cá 4,5ha. Ước tính tổng thiệt hại hơn 61 tỷ đồng.

Tỉnh Bạc Liêu ghi nhận tổng diện tích thiệt hại là 6.203ha, trong đó 4.455ha thiệt hại từ 30 - 70% và 1.748ha mức độ thiệt hại trên 70%. Tỉnh Kiên Giang có 6.900ha nuôi tôm bị thiệt hại. Bến Tre có diện tích bị ảnh hưởng 1.890ha, trong đó tôm càng xanh nuôi xen, quảng canh 1.476ha; cá tra thâm canh 134ha...

"Vượt sóng biến đổi khí hậu"

Tại cuộc thuyết trình và thảo luận với chủ đề "Vượt qua cơn sóng khí hậu: Làm thế nào để đảm bảo ngành đánh bắt thủy hải sản có khả năng thích ứng với khí hậu" do Đại Sứ quán Mỹ tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS Cao Lệ Quyên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản Việt Nam đã đề cập tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở Việt Nam.

Theo bà Quyên, khu vực ĐBSCL không chỉ là vựa lúa mà còn đóng góp 65% sản lượng NTTS của cả nước. 

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 hạn mặn nghiêm trọng, từ 2015-2016 và từ 2019-2020 gây nên tổn thất lớn về kinh tế, đặc biệt ở ĐBSCL.

 Các tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu, và những loài bị tác động do thay đổi môi trường sống là tôm, cá tra, cá chép nước ngọt, loài nhuyễn thể.

Theo bà Quyên, những thay đổi về khí hậu, nhiệt độ tăng lên làm ảnh hưởng đến sản xuất và NTTS của ngư dân. 

Để khắc phục tình trạng này giúp ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác dự báo thời tiết, thực hiện mô hình xen canh giữa vụ lúa và nuôi tôm ở ĐBSCL, khu vực Mekong, xây dựng các mô hình chuyên canh vừa đảm bảo việc chống chịu với thay đổi của thời tiết, thiên tai, giúp năng suất cao hơn và mức độ nguồn thủy sản dồi dào hơn.

Cùng với đó là việc nâng cấp, cải tạo các công trình đê chắn sóng, ngăn mặn đảm bảo quá trình nuôi trồng thủy sản ổn định, bền vững hơn.

Còn TS Kendra Karr - nhà khoa học cao cấp của Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF) cho biết, thủy hải sản đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với dinh dưỡng, an ninh lương thực và sinh kế của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.

Theo TS Karr, để phát triển ngành ngư nghiệp thích ứng trước những thay đổi về khí hậu, cần đảm bảo 5 nguyên tắc chính là quản lý - quản trị thủy sản hiệu quả; lên kế hoạch cho tương lai; tăng cường hợp tác xuyên biên giới; cải thiện sức khỏe hệ sinh thái và đề cao các nguyên tắc công bằng và bình đẳng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem