Mượn rượu làm thuốc
Bên cạnh nguyên liệu để làm thuốc quý, thuốc muốn có tác dụng tối ưu như mong muốn còn tùy dạng bào chế và hình thức bảo quản sao cho thuốc có để lâu, có phơi nắng… vẫn không mất tác dụng. Chính vì thế mà trong kinh nghiệm y học dân gian, dù Đông hay Tây, đều có thành phẩm dưới dạng rượu thuốc.
Điểm khéo của rượu thuốc, bên cạnh chuyện ngon miệng, chính là công năng “nhiều trong 1” nhờ khả năng bảo quản dược liệu không cần chất phụ gia bằng hóa chất tổng hợp; dùng rượu làm dung môi để ly trích tối đa hoạt chất trong dược liệu; tối ưu hóa khả năng dung nạp thuốc nhờ rượu đồng thời kích thích tiêu hóa; gia tốc thời gian khởi động tác dụng của dược liệu nhờ độ cồn trong rượu.
Nhưng không hẳn cứ hễ ngâm dược liệu vào rượu thì bỗng dưng nên thuốc. Rượu thuốc là tiếng kép. Muốn nên thuốc với tác dụng như mong muốn phải có cả hai, phải có rượu tốt và thuốc quý. Thầy thuốc y học cổ truyền, nếu đúng nghĩa lương y, đều rõ là thang thuốc muốn công hiệu phải đúng thành phần và hàm lượng, phải theo đúng nguyên tắc quân thần tá sứ khi thiết kế bài thuốc.
Với rượu thuốc cũng thế, không phải có gì nhét hết vào bình là xong. Trái lại, nếu không đúng bài bản thì khó lòng kiểm soát tình trạng tương tác bất lợi của dược liệu chen vai trong hũ rượu. Với dược liệu gốc động vật như rắn hổ mang, bìm bịp, dê hà nàm… càng phải kỹ hơn nữa vì nếu không chế biến đúng cách thì trong rượu tuy vẫn có thuốc nhưng xét cho cùng chỉ là thuốc… độc! Không lạ gì nếu nhiều người uống rượu thuốc cho khỏe nhưng để rồi ngứa ngáy vì dị ứng do ngộ độc tạp chất tích luỹ trong xị rượu có mùi dược thảo!
Thử quan sát các nơi đang bày bán rượu thuốc trên lề đường có thể nhận thấy một điểm tương đồng. Đó là ít khi bình rượu thuốc chỉ có vài vị thuốc. Trái lại, bên cạnh hình ảnh gây ấn tượng như rắn, khỉ, bò cạp… là nhiều cây thuốc đủ loại củ rễ.
Tất nhiên như thế bắt mắt người tiêu dùng hơn là bình rượu lơ thơ vài cây thuốc. Đáng tiếc là người tiêu dùng chưa biết tối thiểu 70% các loại rượu thuốc có uy tín trên thương trường quốc tế thường chỉ có một vài cây thuốc trong thành phần.
Kế đến, điều hay bị hiểu lầm là liều dùng của rượu thuốc. Nhiều người vẫn tưởng uống càng nhiều càng mau hiệu quả. Càng mau xỉn thì có! Vì rượu là dung môi có khả năng ly trích hoạt chất rất cao nên người dùng rượu thuốc không cần hơn l ly nhỏ ở mỗi bữa ăn, trước hay sau bữa ăn tùy loại rượu thuốc, nghĩa là lượng uống tùy thuộc vào hướng dẫn của thầy thuốc, thay vì lời bàn ra vào của… hàng xóm!
Trong nhiều trường hợp thậm chí nên pha ly rượu thuốc với nước, nếu được nước khoáng thiên nhiên càng tốt để vừa pha loãng độ cồn, vừa mượn tính kiềm của nước khoáng để dẫn thuốc.
Chọn mặt biếu rượu
Không cần làm thống kê cũng biết ngay là đa số người chọn rượu làm thuốc thường vì rượu nhiều hơn vì thuốc. Bằng chứng là người không ưa uống rượu chẳng có ai chọn cách uống thuốc dưới hình thức rượu thuốc, nhất là khi thuốc viên, thuốc thang cũng có tác dụng như thế hoặc thậm chí có khi nhanh hơn dùng thuốc rượu. Kẹt cho không ít khách hàng thân thiết của rượu thuốc là trong trường hợp viêm gan, bệnh gút, viêm thận mãn, cao huyết áp… bệnh nhân không được dùng rượu cho dù có may mắn tìm được loại rượu thuốc an toàn về chất lượng.
Thuốc nào cũng là dao hai lưỡi!
Với rượu thuốc, cho dù có chế biến hoàn toàn đúng cách, lưỡi dao càng bén hơn nữa vì độ cồn của rượu. Thuốc nào cũng thế, muốn đừng thành thuốc độc một cách oan uổng phải được dùng đúng chỉ định. Quan trọng hơn nữa là không được dùng nếu chống chỉ định. Không có rượu thuốc nào nếu không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang, thường khi chỉ được nước bổ ... ngửa!
Nếu đến bánh kẹo cũng cần chọn loại có gốc gác hẳn hoi thì càng phải cẩn trọng với rượu thuốc hơn nữa. Thay vì theo lời đồn để chọn sản phẩm “made in đường hẻm” nên chọn thành phẩm được sản xuất bởi các công ty dược có uy tín lâu năm vì làm rượu qua dây chuyền công nghệ khép kín chắc chắn đảm bảo chất lượng hơn rượu cất theo quy trình “trời ơi đất hỡi”!
Thực tế, số người ngộ độc vì rượu thuốc, nhất là trong các dịp hội hè, trong mấy ngày tết khá cao, nhất là khi “nạn nhân” do đã có thành tích viêm gan, sưng khớp nên thường bị vợ con giấu kín lon bia! Rượu thuốc, như tên gọi, phải được dùng với tri thức như dùng thuốc, thậm chí phải cẩn thận hơn nữa vì bên cạnh thuốc là rượu mạnh vì không ai làm rượu thuốc với rượu vang!
Trái lại, muốn ly trích được hoạt chất trong dược liệu, rượu dùng làm rượu thuốc phải là thứ dữ như rượu đế, rượu Vodka, nghĩa là nếu lạm dụng mà không viêm gan, không loét bao tử mới là chuyện lạ! Đó là chưa kể đến phản ứng phụ như té xe dù không ai đụng, hoặc nhào xuống mương dù đường không trơn trợt mà do say xỉn vì rượu.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.