Dùng "máy khâu bấm" để cắt trĩ

Bạch Dương Thứ ba, ngày 15/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trĩ là bệnh rất phổ biến ở người lớn tuổi. Số người bệnh đến khám vì bệnh trĩ và số ca phải phẫu thuật ngày một tăng. Đáng lo ngại hơn, bệnh trĩ đang có xu hướng trẻ hóa.
Bình luận 0
Dùng "máy khâu bấm" để cắt trĩ - Ảnh 1.

BS Tín đang kiểm tra bệnh nhân sau khi cắt trĩ.

Không ít người bệnh mới hơn 30 tuổi đã mắc bệnh, phải nhập viện điều trị gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vừa điều trị cho ông N.T.Đ. (62 tuổi, ngụ tại tỉnh Bến Tre) bị trĩ đã nhiều năm nay, được điều trị bằng thuốc tại bệnh viện địa phương. Mỗi khi đi tiêu, ông Đ. bị sa trĩ nhiều, nhét lên không hoàn toàn, thỉnh thoảng đi ra máu, đau nhẹ hậu môn. 

Gần đây, ông đi tiêu ra nhiều máu đỏ, thường xuyên thấy chóng mặt. Đi khám, ông được chẩn đoán mắc bệnh trĩ nội độ III, có biến chứng thiếu máu và được chỉ định phẫu thuật dùng máy khâu bấm. Sau phẫu thuật, người bệnh ít đau, không còn đi tiêu ra máu.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Trung Tín – Trưởng khoa Hậu môn trực tràng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh trĩ có thể được điều trị bằng các biện pháp không phẫu thuật như thay đổi chế độ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước hàng ngày, giảm áp lực ổ bụng bằng cách tránh ngồi lâu, đứng lâu. 

Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng các thủ thuật khác như chích thuốc gây xơ, thắt trĩ bằng dây thun để điều trị các búi trĩ trong giai đoạn sớm, trĩ độ I và độ II.

Tuy nhiên, ở giai đoạn bệnh nặng (trĩ độ III, độ IV), người bệnh sẽ bị sa búi trĩ (búi trĩ sa ra ngoài khi đi cầu hay ngồi lâu), nhiều trường hợp búi trĩ nằm thường xuyên bên ngoài ống hậu môn gây khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Ở giai đoạn này, người bệnh cần được phẫu thuật để giải quyết triệt để bệnh trĩ. Hiện nay, một trong các phương phẫu thuật hiện đại nhất trong điều trị trĩ là phẫu thuật Longo. Đây là phương pháp sử dụng một máy khâu bấm đưa vào trong hậu môn để cắt một vòng niêm mạc và dưới niêm mạc ngay bên trên đỉnh các búi trĩ để triệt nguồn cung cấp máu, cắt một phần các búi trĩ nội đồng thời cố định các đệm trĩ còn lại vào trong ống hậu môn.

Phương pháp này chỉ lấy đi phần mô bao gồm niêm mạc và phần dưới niêm trĩ nội bên trong ống hậu môn nên không gây tổn thương da, ít gây đau sau mổ. Nhờ vậy, người bệnh có thể hồi phục và trở lại các sinh hoạt hàng ngày sớm hơn các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ các búi trĩ khác.

PGS.TS.BS. Nguyễn Trung Tín khuyến cáo, người bị tiêu chảy hoặc táo bón lâu ngày, người hay ngồi hoặc đứng lâu (như nhân viên văn phòng, bác sĩ phẫu thuật, tài xế lái xe đường dài), phụ nữ mang thai trong các tháng cuối, người thường tham gia các môn thể thao như cử tạ, leo núi, đua xe đạp… là những đối tượng dễ mắc bệnh trĩ. 

Triệu chứng của bệnh thường là đi tiêu ra máu tươi, búi trĩ sa nghẹt gây đau nhiều, người bệnh không thể ngồi hay đi lại được như người bình thường, rỉ dịch, ngứa hậu môn, sa búi trĩ… 

Để phòng ngừa bệnh trĩ, người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh, tránh các hoạt động gây tăng áp lực ổ bụng kéo dài như ngồi lâu, đứng lâu. Nên hoạt động thể lực thường xuyên và duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước để tránh táo bón…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem