Gánh rau chiều cuối năm

Thứ năm, ngày 30/01/2014 09:03 AM (GMT+7)
Cây rơm vàng e ấp trong cái lạnh đang lãng đãng xuống dần. Từng đàn gà thi nhau tìm bới thóc, những hạt thóc còn sót lại của mừa gặt trước, để có cái ăn trong chiều cuối năm.
Bình luận 0
Và chiều cuối năm, mẹ vồn vã gánh rau ra chợ bán để nhặt nhạnh thêm chút niềm vui với đời, để kiếm tiền trang trải cho cái tết sắp đến.

Chiều cuối năm, ngọn khói đốt rơm len lỏi vào giàn mướp trĩu trái đang đong đưa ngoài vườn. Khói bay vào măt cay xè, làm tôi chênh chao về một miền nhớ.
(Ảnh minh họa - Nguồn: Tiin)
(Ảnh minh họa - Nguồn: Tiin)

Ngọn gió chiều cuối năm như thôi miên cho người ta tìm về một miền nhớ. Những nỗi nhớ quay quắt, gặm nhấm con người. Mặc cho những câu chuyện, những người muôn năm cũ đã vào dĩ vãng, và những câu chuyện ấy đã xưa như chuyện tình giữa...Thúy Kiều và Kim Trọng. Nhưng tôi vẫn thấy nhớ và diệu vợi một chút buồn.

Tôi nhớ gánh cải cuối năm của mẹ ở phiên chợ nghèo, nhớ cái nắm tay lạnh tê tái của người tôi yêu, nhớ đôi mắt cha sâu hõm vì lo, nhớ nụ hoa chuối còn e ấp, đỏ chót trong cái lạnh chiều cuối năm. Nhớ cả tiếng khóc oe oe của cô bé vừa mới chào đời ở nhà bên. Chao ôi, là nhớ!

Và ta tự nhủ rằng, phải chăng trong câu chuyện ngày xửa ngày xưa ấy của mẹ, khi tôi theo mẹ gánh rau tết ra chợ bán, để dường bớt xa, mẹ thường hay kể chuyện về thế giới thần tiên cho tôi nghe. Và mẹ bảo rằng, thượng đế đã bỏ quên cho loài người chúng ta hai hạt giống, đó là hạt giống hi vọng, hạt giống của tình yêu. Để chúng ta cứ sống trong cái vòng lẩn quẩn của nỗi nhớ và yêu. Và gánh rau chiều cuối năm mẹ bán hết, nhưng những câu chuyện về cuộc đời, về thần tiên cứ theo tôi mãi.

Không phải cô giáo cắm bản như bao bạn bè của tôi, để mỗi chiều xem mây bay đỉnh núi, để nhớ nhà trong một nỗi nhớ da diết vào mỗi chiều cuối năm. Tôi “cắm bản” cho mình ở một phố cổ, ngày ngày có tiếng mái chèo khua nước, có tiếng xích lô ì ạch chở khách ghé qua, có những cô bé, cậu bé mắt đen láy nhìn tôi.

Và đôi lúc, tâm trạng của tôi như một cuốn tiểu thuyết dày đặc, ngổn ngang những tình tiết, ngổn ngang những nỗi nhớ, trong đó, tôi là nhân vật chính. Và những nỗi nhớ, những xúc cảm đó cứ chợt vỡ òa mỗi khi đến chiều cuối năm. Cái cảm xúc buồn mênh mang, cái nỗi nhớ vô định ấy cứ như mạch nước ngầm, cứ chảy dấm dẳng trong lòng tôi.

Tôi không sợ tuổi già, bởi tôi còn rất trẻ. Tôi chỉ sợ những nỗi buồn, những xúc cảm trong lòng tôi, đôi lúc đi...lạc hướng. Và như một người thủy thủ mất phương hướng trên mặt biển, cứ chòng chành trước biển khơi, không biết về đâu. Những nỗi lo lắng, những trăn trở về cuộc sống cứ đậu vu vơ trên khung cửa số như nhìn tôi mỉa mai, châm chọc.

Chiều cuối năm, tôi tạm cất “chiếc hộp” có chứa nỗi buồn vào, để về nhà theo mẹ gánh cải đi chợ tết. Những bó cải xanh mơn mởn nằm gọn lỏn trong quang gánh. Bàn tay thô nhám của mẹ cứ thoăn thoắt, nhấp nhô với những bó cải xanh rờn.

Chợ cuối năm đông vui thật. Có đủ các mặt hàng. Nhưng ai cũng có chung một tâm trạng, đó là mong bán cho hết hàng để về nhà thật sớm để chuẩn bị cho giao thừa. Những ánh mắt nhìn vội, những bước chân thoáng qua, vội vã. Cạnh mẹ tôi còn có bao bà mẹ quê với bao gánh rau tết cũng đang thấp thổm chờ người mua, để về nhà cùng với gói hột dưa, bánh mứt cho lũ trẻ. Và sương chiều bắt đầu buông xuống, như một loại “tơ hồng” mà thiên nhiên ban tặng cho con người ở vùng quê heo hút.

Gánh rau ngày tết, mẹ gánh vào cả niềm vui đong đầy, gánh cả những nỗi buồn của đứa con gái mới lớn đi bên cạnh, mà mẹ không hề biết. Bước chân mẹ vẫn thoăn thoắt trên đường, mong về nhà sớm để chuẩn bị bữa cơm tối, có những đứa con xa trở về. Chiều cuối năm như những lát cắt của cuộc đời, để cho người ta mãi bâng khuâng, mãi nhớ nhung về nó, mà những buổi chiều khác không có được.
Thanh Trầm (Thanh Trầm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem