Gặp lu nước nghĩa tình... nhớ quê!

Phúc Lộc Thứ bảy, ngày 06/06/2015 18:29 PM (GMT+7)
Con đường từ thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang đổ về các xã miền núi hầu như nơi nào cũng có quán nước. Khách bộ hành chỉ cần ghé vào là thoải mái với cà phê, chanh muối, chanh tươi, nước ngọt… Nhưng có một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là...
Bình luận 0
... dọc theo hai bên lề đường đầy ắp những hàng quán như thế mà vẫn còn hiện diện một vài lu nước nghĩa tình. Hình ảnh đó đã níu kéo tôi trở về với ký ức tuổi thơ, vì hồi còn nhỏ tôi cũng thường ghé qua các lu nước như thế đó để... ực một gáo cho đã khát.
img
Lu nước nghĩa tình giữa phố thị. (ảnh: PL)
Thời gian cứ vô tình trôi mãi miết, giờ đây mái tóc tuy đã bạc màu sương gió, tưởng đâu hình ảnh chiếc lu nước và cái gáo dừa đã đi vào quá khứ xa xăm, không ngờ hôm ấy nó lại hiện ra trước mắt tôi như một khúc phim quay chậm. Trong giây phút bùi ngùi, tôi liền dừng xe lại bên lu nước, mở nắp ra múc đầy một ca nước, vừa uống và còn tấp lên cả mặt để được sống lại với chút hoài niệm năm nào. Chỉ tiếc là cái gáo dừa ngày xửa ngày xưa nay đã được thay bằng cái ca nhựa, khiến lòng tôi cảm thấy chút tiếc nuối.  
         
Trong ký ức xa vời của tôi, ở miệt vườn hầu như nhà nào cũng có một lu nước mưa trước nhà, hàng xóm khi cần cứ ghé vào uống thoải mái. Ngoài ra, dọc theo các con đường làng và tỉnh lộ, cứ xa xa lại có một cái lu hoặc khạp nước đặt dưới bóng cây hay bên vệ đường. Có nơi người ta còn dựng lên một cái chòi lá đơn sơ, bên trong có chiếc chõng che, trước chòi đặt một cái lu nước lóng phèn mát lạnh, kèm theo cái gáo dừa cán tre cho khách đi đường dừng chân nghỉ giải lao và giải khát.
img
Lu nước dọc theo con đường làng. (ảnh: PL)
Ngày nay, cái gáo dừa và cái hộp lon sữa bò dùng múc nước uống đã lùi dần vào quá khứ xa xăm, chỉ còn đó cái lu nước ở một số làng quê xa vắng. Cuộc sống con người giờ đã đổi thay. Nhiều nơi bà con không còn sử dụng lu, khạp để đựng nước mà thay vào đó là can nhựa, bình nhựa cho tiện dụng. Do đó nhiều nơi đã bố trí bình nước lọc hoặc trà đá trên những đoạn đường ít quán sá, để phục vụ cho khách qua đường, lấy tên là “Trà đá miễn phí”, “Nước uống miễn phí”, “Bình nước từ thiện” …
         
Ngày nay, con đường nào cũng mọc lên đầy quán sá, khách tham quan du lịch muốn giải khát thứ gì cũng có, nhưng muốn tìm lại cảm giác mát lạnh của gáo nước dọc theo hai bên lề đường thật không dễ gì! Từ trong sâu thẳm, hình ảnh lu nước mưa và chiếc gáo dừa ở một quê nghèo đã gắn liền với tôi như hình với bóng và lưu nhớ trong sâu thẳm nơi con tim.
         
Tất cả những việc làm từ tâm từ thiện của ông cha, dù là một việc nhỏ nhoi khiêm tốn như “lu nước nghĩa tình” cũng đều xuất phát từ tấm lòng chân chất, mộc mạc và đầy ắp tình người. Dù trải qua bao biến động thăng trầm, cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại nhưng những giá trị tinh thần như lòng thương người và tình làng nghĩa xóm của nhân dân ta không bao giờ thay đổi. Đó là sự đồng cảm và hết lòng chia sẻ với nỗi đau của những người bất hạnh - Những chủ nhân của “Lu nước ven đường”, của “Bình nước miễn phí”, của “Dĩa cơm tình nghĩa 2000đ”; của “Bếp cơm, bếp cháo từ thiện” và của “Trại hòm từ thiện”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem