Con trâu trong ký ức tuổi thơ tôi!

Bài, ảnh: Phúc Lộc Thứ sáu, ngày 05/06/2015 12:00 PM (GMT+7)
Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nên ngay từ thuở còn cắp sách đã có dịp gần gũi, gắn bó với những con trâu hiền lành. Vào mùa gặt lúc cộ lúa về nhà, ba tôi thường cho tôi ngồi trên cộ (*) rồi nghêu ngao suốt một đoạn đường dài, lòng ngập tràn sung sướng.
Bình luận 0
img
Cưỡi trâu cũng có cái thú của nó. (ảnh: PL)
Khi tôi học lên lớp Ba, cả lớp đều thuộc lòng bài thơ:
                  
"Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…"
          
Từ đó tôi càng cảm thấy thương trâu hơn bao giờ hết. Trâu là hình ảnh thân thiết đối với bà con nông dân. Trâu với người đã từng một nắng hai sương, suốt ngày cày sâu cuốc bẫm nơi ruộng đồng từ sớm tinh mơ cho đến lúc mặt trời ngã bóng mới quay về:
                        
"Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu…"
           
Càng lớn lên tôi mới hiểu bà con mình đã biết dùng sức trâu vào công việc đồng áng. Ngay từ thời xa xưa, con trâu đã được thuần hóa nên chúng tỏ ra hiền lành, dễ dạy và mến chủ. Trâu sống từng đàn, tự đi kiếm cỏ và có thể tìm lối về chuồng mà không cần đến người chăn. Dân gian cũng có câu: “Lạc đường níu đuôi chó, lạc ngõ níu đuôi trâu” là thế.
           
Ông cha ta nuôi trâu chủ yếu để cày, bừa, trục và kéo lúa về bồ. Trâu là loài vật có sức khỏe dẻo dai. Chính vì thế mà hình ảnh con trâu đã để lại trong tâm thức người nông dân những ấn tượng khó quên. Con trâu được coi là “đầu cơ nghiệp”; hoặc “Con trâu đi trước cái cày theo sau”. Nghĩ đến trâu là nghĩ đến một làng quê, nghĩ đến tinh thần lao động cần cù, chịu thương chịu khó của bà con nông dân:
                        
"Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa".
img
Trâu kéo xe chở thóc về làng (ảnh: PL).
Trong thời đại công nghiệp hiện nay, nền sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hoá. Tưởng đâu hình ảnh con trâu, xe trâu sẽ đi vào ký ức xa xăm vì máy cày, máy xới, máy kéo, máy liên hợp… đã có mặt ở hầu hết các cánh đồng. Nhưng ở một vài nơi, do đất đai sản xuất nhỏ, địa phương còn nghèo, con trâu vẫn là người bạn đắc lực của nông dân, đặc biệt là trâu kéo lúa, thay cho các phương tiện vận chuyển bằng ghe xuồng hoặc ô tô.
           

Hiện nay, tại nhiều địa phương, nghề trâu kéo lúa vẫn còn khá thịnh hành, nhất là tại các huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Vào mùa gặt, bà con nông dân thường dùng xe bò chở lúa trên lộ xe, còn trâu thì cộ lúa ngoài đồng. Đó là phương tiện hữu hiệu nhất trong việc vận chuyển hàng hoá vượt qua những cánh đồng sình lầy mà phương tiện vận tải bằng xe và ghe tàu coi như vô hiệu.

Nếu có dịp về thăm những cánh đồng lúa chín ở Châu Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang) vào vụ đông xuân hoặc hè thu chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những đàn trâu hằng mấy chục con nối đuôi nhau xuyên đồng, cộ lúa về bồ tạo nên một bức tranh quê mộc mạc và hết sức thanh bình.

img
Hình ảnh con trâu trong thời đại công nghiệp hiện nay. (ảnh: PL)
Trải qua hằng ngàn năm, hình ảnh “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa” hiện lên như một bức tranh quê sinh động của cộng đồng làng xã Việt Nam. Trong đó con trâu được coi như một thành phần quan trọng trong công việc đồng áng. Vì vậy mà con người không bao giờ quên công lao vất vả của trâu, một con vật có thủy có chung, đã cùng với chủ đổ bao mồ hôi công sức mới mang được hột lúa về nhà:

"Cấy cày vốn việc nông gia/ Trâu đâu ta đấy ai mà quản công".

Ngày nay, mỗi lần về quê, nhìn đàn trâu kéo lúa và kéo cày, trong ký ức tôi hiện lên một làng quê êm ả và thanh bình, một hồn quê bát ngát và đầy ắp những kỷ niệm thân thương của một thời thơ ấu.    
 
Ghi chú:
(*) cộ là một loại xe làm bằng cây, dành cho trâu kéo lúa, kéo rơm ngoài đồng rất tiện lợi. Xưa kia, cộ trâu không có bánh xe, nay có thêm bánh lốp rất tiện lợi.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem