Ghé thăm làng Từ Vân, nơi "thổi hồn" cho hàng triệu lá cờ Tổ quốc trên khắp cả nước
Ghé thăm làng Từ Vân, nơi "thổi hồn" cho hàng triệu lá cờ Tổ quốc trên khắp cả nước
Thanh An- Ngọc Anh- Khánh Ly
Thứ ba, ngày 24/01/2023 17:23 PM (GMT+7)
Từ lâu, người dân làng may Từ Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội đã luôn tự hào với nghề truyền thống thiêng liêng với hơn 70 năm phát triển. Nơi đây đã làm ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc, đưa đến khắp mọi miền đất nước, gắn liền với những dịp lễ lớn, những sự kiện trọng đại của dân tộc.
Cách TP.Hà Nội khoảng 30km về phía Nam, làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) nổi tiếng với nghề thêu cờ truyền thống. Nơi đây đã làm ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc, đến khắp mọi miền đất nước, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.
Ngày 2/9/1945, trong rừng cờ tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, cũng có hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng do người dân làng Từ Vân may.
Từ thế kỷ 16, làng Từ Vân đã nổi tiếng trong và cả ngoài nước bởi các sản phẩm thêu, dệt truyền thống. Thời đó, không ít người làng Từ Vân lên Hà Nội mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu truyền thống. Vì vậy, để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Ủy ban kháng chiến mời các thợ may, nghệ nhân của làng Từ Vân thêu, làm cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa.
Những người thợ, nghệ nhân ấy được tuyển vào Hợp tác xã cờ đỏ trên phố Hàng Bông, Hà Nội để may cờ Tổ quốc. Đó là thời khắc lịch sử và cũng là dấu mốc "khai sinh" ra nghề may cờ của làng Từ Vân.
Trò chuyện trong tiếng máy móc nhịp nhàng tại xưởng may, anh Nguyễn Văn Phục, người làng Từ Vân chia sẻ: "Ngày trước bố mẹ tôi làm nghề này, từ khi sinh ra, hình ảnh quen thuộc của những lá cờ đỏ sao vàng đã như in trong tâm trí tôi. Đó cũng là lý do mà tôi muốn nối tiếp cha mẹ giữ gìn cái nghề thiêng liêng này".
Khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn
Cơ sở may của anh Phục hiện mỗi ngày sản xuất ra khoảng 800 sản phẩm cờ, mẫu mã đa dạng. Giá cả của các sản phẩm tùy thuộc vào kích thước, chi tiết và độ tinh xảo mà khách hàng yêu cầu.
Cũng theo anh Phục, trong làng hiện tại sản xuất rất đa dạng sản phẩm về cờ. Người thêu cờ, người may cờ phục vụ khai giảng năm học mới, cờ Tổ quốc treo ngày quốc khánh 2/9, băng rôn, khẩu hiệu... Trước đây, may cờ chủ yếu làm bằng tay tốn nhiều thời gian, cần nhiều người làm nên có năm làm không kịp hàng. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở đã dùng máy móc sản xuất hiện đại tự động, lập trình trên máy tính nên độ chính xác, năng suất rất cao.
"Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận. Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, bền đẹp", anh Phục chia sẻ.
Để làm ra một chiếc cờ đẹp trải trải qua 10 công đoạn. Một trong những khâu đầu tiên nhưng lại quan trọng nhất là khâu chọn vải. Vải phải tốt, màu sắc phải đẹp, tươi mới có thể may đẹp từng đường kim mũi chỉ. Nguyên liệu vải sa mua từ làng La Khê (Hà Đông, Hà Nội), nhiều tấm vải đỏ còn chính gia đình nhuộm. Những bộ phận khác của lá cờ như tua mua ở làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ.
Hiện nay, dù không còn nhiều hộ duy trì nghề may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân, song việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Có thể nói, những nghề thật bình thường giản dị song lại rất đỗi tự hào và thiêng liêng. Đơn giản bởi vì nó chứa đựng hồn thiêng dân tộc. Cho đến ngày nay, những người như gia đình anh Phục và cả những người thợ làm nghề vẫn tiếp tục miệt mài biến những tấm vải đỏ, vàng thành lá cờ đỏ sao vàng mang đi khắp mọi miền Tổ Quốc.
Tự hào với những lá cờ đỏ tung bay
Cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển đa dạng các loại ngành nghề mới, hiện nay, nhiều hộ gia đình ở Từ Vân đã chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm khác. Số lượng hộ duy trì nghề may cờ tổ quốc ở làng Từ Vân chỉ còn gần 10 hộ lành nghề nhất với hơn 100 nhân công. Động lực cho họ tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống này đơn giản chính là niềm tự hào khi đã dệt nên một phần linh hồn của dân tộc.
Dạy những đứa trẻ trong làng biết đến thêu từ sớm để chúng hiểu về giá trị của làng nghề là cách anh Phục giữ lửa nghề cho các thế hệ. Tay thoăn thoắt xếp những lá cờ, em Nguyễn Quang Tuấn (15 tuổi) cho biết: "Cứ mỗi cuối tuần là em giúp gia đình may cờ. Em muốn được rèn nghề cho quen tay để tiếp nối nghề truyền thống".
Có lẽ, đối với những người dân làng Từ Vân, may cờ là sự may mắn, vinh dự không phải ai cũng có. Bởi mỗi lá cờ làm ra mang đến cho họ niềm tự hào vì đã dệt nên một phần linh hồn dân tộc. Càng ý nghĩa hơn khi những lá cờ Tổ quốc tung bay trên khắp phố phường của Thủ đô, trên khắp nẻo đường của đất nước, từ miền ngược tới miền xuôi, từ biên giới tới hải đảo.
"Lá cờ lớn nhất gia đình tôi làm có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, treo ở đỉnh Lũng Cú, Hà Giang. Lá cờ nặng cân, nặng tình, treo trên điểm cực Bắc của Tổ quốc là niềm tự hào, cũng chính là động lực thôi thúc tôi và gia đình tiếp tục truyền thống hơn 70 năm làm công việc dệt hồn cho Tổ quốc" - anh Nguyễn Quang Phục bày tỏ.
Trải qua 75 năm, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được các thế hệ người làng Từ Vân giữ gìn và phát triển. Trong thâm tâm người làng Từ Vân, có lẽ nghề "thổi hồn" cho lá cờ Tổ quốc đã gắn bó máu thịt. Dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn là đại diện cho niềm tự hào Việt Nam, khơi dậy hai tiếng quê hương trong mỗi người con đất Việt. Và dù bây giờ hay mãi mãi về sau, những sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của dân tộc, đều có lá cờ Tổ quốc của làng Từ Vân tung bay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.