Theo phản ánh của người dân, tại khu vực Suối Cọp (thôn 1, xã Lơ Ku, huyện K’bang, Gia Lai) xảy ra một vụ phá rừng quy mô lớn để trồng cây keo lai, ước diện tích bị "cạo trọc" lên đến nhiều ha.
Nhận được thông tin, PV Báo điện tử Dân Việt đã thâm nhập thực tế để tìm hiểu. Hiện trường cho thấy có những cây rừng bằng bắp tay, bắp chân xen lẫn trong rừng le. Tất cả đã bị chặt, đốt. Thay vào đó là những cây keo lai mới trồng. Cạnh đó là những vỏ chai thuốc diệt cỏ cấp tốc phục vụ cho quá trình khai hoang. Tại khu vực này, chúng tôi còn phát hiện một số cây gỗ đã bị đốn hạ, xẻ hộp vuông vức nhưng chưa kịp vận chuyển ra ngoài.
Hiện trường khai hoang, trồng cây keo lai
Theo quan sát của PV, đứng tại vị trí mới được trồng cây keo lai có thể nhìn thấy trụ sở UBND xã Lơ Ku và ngược lại. Tuy nhiên, ông Trương Nhật Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku cho biết: “Thời gian qua xã không phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn nào và cũng không nghe kiểm lâm địa bàn báo lại gì”. Từ thông tin và hình ảnh PV cung cấp, ông Linh xác định khu vực trên thuộc thôn 1, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku (có trụ sở tại thị trấn K’bang, huyện K’bang).
Cây keo lai được trồng trên đất rừng khai hoang
Trả lời những câu hỏi của PV, ông Trần Văn Trị - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku khẳng định: “Khu vực trên thuộc tiểu khu 146 và tiểu khu 147, lâm phần do công ty quản lý, đang được công ty cho triển khai trồng lại rừng bằng cây keo lai. Đây là đất lâm nghiệp không có rừng, được công ty đưa vào quy hoạch trồng rừng trong năm 2018. Không có chuyện chặt rừng tự nhiên để trồng rừng”.
Theo ông Trị, vị trí trồng rừng này chủ yếu là cây le, lau lách, cây bụi. Trước đây, chỗ này bị người dân lấn chiếm trồng cây nông nghiệp hàng năm và một phần diện tích khác bị bỏ hoang.
Sau đó, công ty tổ chức họp dân, thu hồi lại để trồng rừng theo kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt và giao đơn vị, mỗi ha rừng trồng được hỗ trợ 30 triệu đồng. Công ty đã hợp đồng thuê ông Nguyễn Thế Bình (Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngân Sơn ở xã Lơ Ku) phát dọn thực bì và trồng keo lai. Trước khi triển khai, công ty đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng rừng, đây là diện tích bị dân lấn chiếm lấy đất sản xuất.
Theo ông Trị, những cây bị chặt hạ này là cây lẻ nằm xen trong le, lau lách
Về việc có những cây rừng bị chặt phá, ông Trị cho rằng: “Trong hợp đồng thuê trồng rừng, công ty có yêu cầu không chặt cây tự nhiên nhưng do giám sát không kỹ nên người ta có chặt một số cây gỗ, chặt những cây lẻ đứng một mình cho sạch. Công ty sẽ mời ông Bình lên làm việc để có hướng xử lý. Thực tế, những cây gỗ bị chặt này nằm xen kẽ trong le, lau lách và những cây tái sinh trong đất bị lấn chiếm. Hiện, công ty vẫn chưa nghiệm thu việc trồng rừng của ông Bình”.
Còn những lóng gỗ được xẻ hộp vuông vức tại hiện trường, chưa kịp kéo đi, ông Trị cho rằng: “Có 5 lóng gỗ mít nài bị xẻ hộp, đã được lực lượng bảo vệ rừng của công ty lập biên bản nhưng do trời mưa, dốc cao trơn trượt chưa thể kéo ra nên vẫn còn tại hiện trường”.
Một số hộp gỗ được xẻ vuông vức tại hiện trường
Về diện tích khu vực trồng cây keo lai, ông Phạm Khắc Hoàn – Phó giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lơ Ku cho biết tổng diện tích trồng rừng này là 24ha được công ty triển khai trồng rừng theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao hàng năm, dự kiến trong năm 2018 sẽ trồng khoảng 100ha rừng. Toàn công ty đang quản lý hơn 9.200ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 1.000ha đất không có rừng sẽ được đơn vị tiếp tục triển khai trồng rừng.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Sơn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết: “Vị trí nói trên là khu vực bị người dân lấn chiếm lấy đất sản xuất đã được công ty thu hồi để trồng rừng. Theo kiểm kê rừng trên bản đồ, vị trí này là đất trống, thực địa có một số cây tái sinh sau nương rẫy, có những cây phi mục đích lớn nhanh to bằng bắp đùi, không phải rừng. Thời buổi này đâu ai dám phá rừng để trồng rừng đâu?”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.