Già làng đau đáu gìn giữ tiếng nói dân tộc mình

San Nguyễn Thứ ba, ngày 21/10/2014 16:46 PM (GMT+7)
Với người Cao Lan ở xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, thì tiếng Cao Lan đã được các thế hệ, ông bà truyền lại cho con cháu, sử dụng rộng rãi cùng với tiếng kinh trong đời sống hàng ngày.
Bình luận 0

Ông Ninh Văn Kim - già làng có uy tín ở thôn Rừng Thông, người luôn đau đáu trước sự mai một dần bản sắc văn hoá của người Cao Lan, chia sẻ: “Khi đi thăm họ hàng ở nơi khác, tôi rất lo lắng vì tiếng nói của người Cao Lan đang dần bị mai một. Lớp trẻ dưới 30 tuổi trở lại cũng chỉ có mấy người biết và sử dụng tiếng dân tộc mình. Còn các cháu từ 15 tuổi trở xuống thì không còn ai, vì do tình trạng sống xen cư nên các cháu chủ yếu nói tiếng phổ thông, còn khi ở nhà ông bà cũng không khuyến khích nói hay dạy các cháu nói. Đấy là tiếng nói, chứ còn chữ viết thì ở thôn của tôi cũng chẳng còn ai biết nữa rồi. Tôi nghĩ là mình phải có trách nhiệm giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình thôi”.

Nói là làm, già Kim vẫn luôn khuyên bảo con cháu trong nhà và trong thôn xóm phải giữ gìn và nói tiếng dân tộc của mình. Nhờ vậy, đến nay người Cao Lan ở thôn Rừng Thông, từ người già cho đến trẻ con ai cũng biết nói tiếng Cao Lan.

Bà Phạm Thị Điền - người Cao Lan lấy chồng là người Kinh, nhưng cả gia đình nhà bà vẫn luôn sử dụng tiếng Cao Lan. “Khi tôi lấy chồng, thấy mình hay nói tiếng Cao Lan với anh em, chồng tôi cũng bắt đầu học theo. Đến bây giờ thì ông nhà tôi nói rành rẽ lắm rồi. Con dâu nhà tôi là người Kinh, qua mấy năm về đây, cháu nó chưa nói được nhiều nhưng nghe thì vẫn hiểu được. Thành ra mấy đứa cháu tôi, khi về nhà là toàn nói tiếng Cao Lan thôi” - bà Điền kể.

Chị Nguyễn Thị Yến - con dâu bà Điền cũng vui vẻ cho biết: “Em về làm dâu cũng được 5 năm rồi. Mới đầu thấy tiếng dân tộc cũng khó học lắm vì mình không học từ nhỏ nhưng nghe bố mẹ, anh chị em trong nhà nói chuyện với nhau dần dần mình cũng nghe hiểu được. Em cũng luôn khuyến khích các con dùng tiếng dân tộc để nói chuyện với ông bà, bố mẹ”.

Giờ thì việc bảo tồn tiếng dân tộc không còn là nỗi lo của ông già Kim cũng như những người Cao Lan ở thôn Rừng Thông nữa, nhưng vẫn còn đó là nỗi lo về mai một chữ viết, trang phục, văn hoá. Già Kim bảo: “Tôi có thằng cháu học ở Hà Nội nhờ tìm mua cho cháu một bộ trang phục dân tộc Cao Lan để trình diễn ở trường, nhưng tôi tìm khắp nơi vẫn không thể mua được vì giờ không còn ai sản xuất ra loại vải ngày xưa nữa. Còn chữ thì hầu như giờ chả còn mấy người biết viết nữa rồi, ngay cả tôi cũng không biết viết, nên việc sưu tầm, lưu giữ lại những điệu hát sình ca khá khó khăn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem