Đây không chỉ là tục lệ riêng của người Cao Lan làng Ngọc Tân mà còn là Lễ hội chung của đồng bào dân tộc Cao Lan, chỉ có điều ngày nay, tùy theo từng nơi, từng mùa vụ mà chọn ngày tổ chức Lễ hội cho phù hợp.
Ngày hội xuống đồng (Ảnh minh họa)
Cụ Sầm Xuân Sinh, già làng Ngọc Tân kể lại: Tương truyền rằng ngày xưa, con người không biết trồng lúa, cây lúa tự mọc trên nương, dưới ruộng, tới khi chín, hạt lúa rụng xuống và tự lăn về nhà. Một hôm ở gia đình nọ, người chồng đi vắng, người vợ ở nhà một mình, thấy những hạt lúa chạy vào nhà, vì không có cái đựng nên lúa nằm vung vãi khắp nhà, người vợ bực tức lấy chổi đuổi lúa đi, thế là lúa chạy tất ra nương, ra ruộng. Mấy ngày liền người vợ không có gạo ăn suýt bị chết đói.
Khi người chồng về biết chuyện đã vội vã đi xin lỗi lúa, lúa giận nên bắt vợ chồng nhà kia phải ra tận nương gùi lúa về, đan bồ, đan cót để lúa ở. Từ đó về sau, dân làng sợ lúa không về nên đã làm lễ cầu khấn và ra tận nương, tận ruộng để trông nom cho cây lúa, đến khi lúa chín, phải gặt lúa mang về cất cẩn thận trong nhà. Lễ hội xuống đồng của người Cao Lan chúng tôi bắt đầu có từ đó.
Đến ngày Lễ hội, dân làng bảo nhau mổ lợn, thổi sôi ngũ sắc kèm theo ba bó mạ hoặc một đấu hạt lúa giống để tế thần tại đình làng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng sung túc. Sau khi cúng tế, dân làng tổ chức các trò chơi kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo rồi thi hát sình ca, vèo ca, múa chim gâu, xúc tép... Các điệu múa đều phỏng theo các động tác cày bừa, cuốc sới, phát nương, tra hạt, gặt hái, sàng sảy của người dân...
Tiếp đó, Ban tổ chức chọn trước một thửa ruộng, dân làng đứng vây xung quanh, dưới sự chủ trì của Già làng, lần lượt tốp cày bừa trước, tốp cấy sau, mỗi người một việc đến khi cấy song thửa ruộng, lúa ở ruộng này sẽ được chăm bón cẩn thận để lấy gạo dâng lên cúng thần trong tiệc cúng cơm mới.
Sau Lễ hội, các gia đình sẽ về gieo cấy và chăm sóc lúa ở các thửa ruộng của nhà mình. Họ thật sự tin rằng: vạn vật hữu linh và đều thuộc sự cai quản của thần linh nên họ vừa làm vừa cầu khấn mong nhận được sự phù hộ che chở của các vị thần...
Lễ hội xuống đồng của người Cao Lan không chỉ mang đậm yếu tố tâm linh mà còn là ngày hội đoàn kết gắn bó cộng đồng. Lễ hội đã trở thành nét văn hóa đặc sắc làm phong phú đời sống tinh thần của người dân nơi đây, góp phần tô điểm thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tôc.
Mở đầu phần hội là bài hát của thầy cúng sau đó dàn nhạc gồm ba loại nhạc cụ là: Trống, xẵm xẹ và kèn pò lé sẽ vang lên để những người tham gia hội hát mừng thánh trong đó: một người đeo trống tang sành vừa nhảy vừa múa vừa đánh trống ở giữa, 10 người nam nữ múa hát đi vòng quanh mô phỏng việc chọc lỗ tra hạt trên nương và cấy lúa dưới ruộng bằng những động tác nhanh dứt khoát theo nhịp trống tang sành và điệu múa “ hai tao xá lù” tức là phát lối mở đường. Sau đó 5 chàng trai vác dao dựa, 5 cô gái đeo vỏ dao xếp thành hai hàng ngang múa làm động tác phát nương tiến lùi quay người đan xen nhau rất nhịp nhàng uyển chuyển.
Sau khi múa hát đoàn người chia làm hai tốp: Một tốp lên núi phát nương, một tốp xuống ruộng cấy lúa. Ruộng cấy đã được cày bừa rất kỹ và người ta đặt ở đó những bó mạ đã được nhổ từ ruộng mạ. Thầy mo sẽ là người xuống cấy đầu tiên sau đó đoàn người múa hát này mới xuống cấy. Thửa ruộng được chọn để cấy trong ngày hội là một thửa ruộng ở giữa cánh đồng có diện tích khoảng một sào Bắc Bộ và có thể tưới tiêu thuận lợi.
Sau khi cấy xong thửa ruộng đó được chăm sóc cẩn thận cho đến khi được thu hoạch thì chính những hạt gạo từ thửa ruộng đó sẽ được dâng lên cúng các thần linh trong tiệc cơm mới (ngày 15 tháng 8 âm lịch).
Trong khi một tốp người xuống cấy thì một tốp khác lên nương phát rẫy và chọc lỗ tra hạt. Theo tập quán xưa người Cao Lan thường phát rừng làm rẫy, nhưng ngày nay đất rừng đã được giao cho các hộ nông dân quản lý để trồng rừng nên việc phát nương trong khuân khổ lễ hội xuống đồng chỉ còn là tượng trưng thông qua điệu múa phát rẫy mở đường như đã nói trên.
Vai trò ý nghĩa của lễ hội trong đời sống của người Cao Lan Lễ
hội còn trở thành sinh hoạt văn hóa đặc sắc, làm phong phú đời sống
tinh thần của cư dân nơi đây, góp phần phong phú đa dạng nền văn hóa
Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân
tôc.
|
Vũ Quý Đông (Vũ Quý Đông)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.