Giá lợn hơi còn 32.000 đ/kg, Hưng Yên mời gọi siêu thị, bếp ăn

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 27/04/2019 09:41 AM (GMT+7)
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn thương phẩm an toàn, cần thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, trong đó có mặt hàng thịt lợn; kết nối các sản phẩm thịt lợn thương phẩm an toàn vào các hệ thống phân phối. Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ lợn thương phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên” do UBND tỉnh tổ chức mới đây.
Bình luận 0

Giá đã tăng nhưng chuyển biến chậm

Trước khi dịch bệnh xảy ra, lợn thương phẩm của Hưng Yên và nhiều tỉnh phía Bắc chủ yếu được tiêu thụ qua 2 cách, tiêu thụ thông qua thương lái mua gom để xuất bán cho các tỉnh, thành phố trong cả nước, một phần xuất khẩu sang Trung Quốc và phần còn lại tiêu thụ nội tỉnh. Tuy nhiên, tiêu thụ nội địa tỉnh chậm, chiếm tỷ trọng khoảng  20-25%, lợn hơi xuất chuồng chủ yếu được các thương lái mua gom.

Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh Hưng Yên trên 543.000 con. Số lượng lợn tiêu thụ nội tỉnh chủ yếu theo cách truyền thống, giết mổ và bán thịt tươi sống, sản lượng khoảng 120 - 165 tấn/ngày, trong đó, giết mổ qua các cơ sở giết mổ đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm chiếm  khoảng 50%, còn lại là tại các lò mổ tự phát. Giá thịt lợn thời điểm cao nhất là tháng 10/2018  lên tới 48.000  đồng/kg, do dịch tả lợn châu Phi, hiện giá lợn hơi giảm xuống chỉ khoảng 30.000 – 32.000 đồng/kg.

img

Hưng Yên đẩy mạnh tiêu thụ thịt trong các kênh phân phối như siêu thị, bếp ăn tập thể. Ảnh: I.T

Do  dịch bệnh tả lợn châu Phi lan rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, giết mổ lợn thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Số lượng lợn xuất bán cho thương lái gần như đóng băng vì thương lái không mua gom, hoặc mua số lượng không lớn lại vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến vận chuyển lợn vùng dịch; số lượng lợn tiêu thụ nội địa cũng sụt giảm mạnh do thực hiện nghiêm các quy định về giết mổ, kinh doanh thịt trong vùng dịch đồng thời do người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh không tiêu thụ thịt lợn.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù số lượng lợn thương phẩm khỏe mạnh đến thời điểm xuất bán còn rất lớn, khoảng 20.000 - 25.000 tấn nhưng tiêu thụ chậm, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên đã tạo áp lực cho người chăn nuôi. Mặc dù, gần đây do làm tốt công tác tuyên truyền, người tiêu dùng đã bắt đầu quay lại tiêu thụ thịt lợn, giá thịt lợn hơi trên thị trường đã có dấu hiệu tăng trở lại nhưng chuyển biến chậm.

Ông Nguyễn Văn Thơ – Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên – cho hay, sự kết nối giữa khâu sản xuất, chăn nuôi với tiêu thụ chưa chặt chẽ, thiếu tính ổn định, chứa đựng nhiều rủi  ro đối với người chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu mối lớn mua gom lợn nên việc tiêu thụ lợn vẫn dựa vào thương lái chủ yếu ở ngoài tỉnh, năng lực, uy tín và tính ổn định không cao.

Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi không chỉ có ở Hưng Yên mà còn rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là những địa phương giáp với Hưng Yên, do vậy, khả năng tiêu thụ ngoài tỉnh chưa thể tháo gỡ trong thời gian ngắn.

Cùng với công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, việc bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ lợn thương phẩm cũng đang là vấn đề được đặt ra. Ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên – kiến nghị, Sở Công Thương Hưng Yên tăng cường công tác xúc tiến thương mại và dự báo thị trường tiêu thụ nông sản nói chung và chăn nuôi nói riêng, tiếp tục làm tốt công tác kết nối  cung – cầu; Sở Y tế phối hợp tốt với Sở NN&PTNT trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, kiểm tra xử lý nghiêm các bếp ăn tập thể sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Liên quan đến khâu tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Văn Thơ cho hay, trước mắt, Sở Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức, hướng dẫn tiêu dùng lợn an toàn, làm cho người tiêu dùng yên tâm quay lại tiêu thụ thịt lợn an toàn. Tập trung kết nối, tìm kiếm đầu mối tiêu thụ, các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến thịt lợn nhằm khẩn trương tiêu thụ số lượng lợn đã đến thời điểm xuất chuồng, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Xây dựng ngay các điểm bán thịt lợn an toàn, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ lợn an toàn đã đến thời điểm xuất chuồng.

Về lâu dài, Sở sẽ rà soát, đánh giá lại năng lực chăn nuôi lợn trên địa bàn, nắm bắt thông tin dự báo thị trường. Cạnh đó, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung, đi kèm với hệ thống sơ chế, kho lạnh bảo quản, đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biết; xây dựng mạng lưới kiểm soát an toàn thực phẩm cho hệ thống giết mổ và phân phối thịt.

Đẩy mạnh kết nối vào các kênh phân phối

img

Một quầy hàng bán thịt an toàn ở Hưng Yên. Ảnh: PH.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, kinh nghiệm của đợt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi lần này càng khẳng định sự cần thiết, xu hướng tất yếu trong việc chuyển dịch sang mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm dịch, có truy xuất nguồn gốc… đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là con đường phát triển bền vững của ngành chăn nuôi của cả nước nói chung và Hưng Yên nói riêng.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, sớm khống chế dịch thành công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị các đơn vị chức năng của tỉnh Hưng Yên, các cơ quan báo chí và truyền thông tăng cường truyền thông cách thức chế biến thịt lợn an toàn, cung cấp thông tin đúng, đủ cho người tiêu dùng và các đơn vị phân phối, góp phần thúc đẩy tiêu thụ.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đề nghị Sở Công Thương Hưng Yên phối hợp với các sở, ban ngành của địa phương và các Bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, trong đó có mặt hàng thịt lợn. Kết nối các sản phẩm thịt lợn thương phẩm an toàn vào các hệ thống phân phối thông qua Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Được biết, trước tình hình tiêu thụ thịt lợn khó khăn, các thương nhân phân phối, siêu thị kinh doanh, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh đã ký cam kết với các chủ trang trại, hợp tác xã trên địa bàn đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem