Nguyễn An Thanh
Thứ hai, ngày 30/08/2021 15:01 PM (GMT+7)
Những ngày qua, không ít hình ảnh "thông chốt", chống đối người thi hành công vụ trong khi địa phương thực hiện giãn cách, cách ly. Những hình ảnh xấu xí như thế cần được răn đe nghiêm khắc.
Chiều qua 29/8, Hồ Hữu Nhân (SN 1980), ngụ tại Khu dân cư Phú Mỹ Hưng (quận 7) lại có 2 phút làm dậy sóng mạng xã hội theo đúng mô-típ thịnh hành "mày có biết tao là ai không?". Cuối tháng 7, Hồ Hữu Nhân được một tổ chức thiện nguyện tại Hà Nội cấp thẻ công tác tình nguyện viên để tham gia các hoạt động thiện nguyện. Chiều ngày 29/8 chở vợ đi siêu thị sắm đồ nhưng tại đây chỉ bán online, không trực tiếp giao dịch mua bán, lập tức ông ta liền lao vào siêu thị giơ thẻ tình nguyện viên ra để hù dọa nhân viên, bảo vệ và tự xưng người của "Ban chỉ đạo quận 7". Chưa hết, khi được bảo vệ siêu thị nhắc nhở người này còn kéo khẩu trang xuống, dọa gọi công an xuống làm việc, truy xét tên tuổi nhân viên bảo vệ đang quay clip.
Trước đó, 7h30 ngày 27/8, Lâm Đình Bảo (SN 1990) không có giấy tờ, không đeo khẩu trang đã ngang nhiên lái ô tô "thông chốt" phường Hiệp Thành (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Nhưng đến trạm kiểm dịch tại phường Phú Lợi, chiếc xe Mercedes BKS 61A-624.00 đã bị các chiến sĩ CSCĐ chặn lại theo điện báo của chốt trên, lúc này Lâm Đình Bảo mới thể hiện hết bản chất hung hăn, côn đồ khi liên tục có hành động chống đối, chửi thề, tự xưng "đang đi làm từ thiện bằng cái tâm", "theo ý Trời", rồi thậm chí doạ giết chiến sĩ.
Những ngày này TP.HCM đang dốc toàn lực cho công cuộc chống dịch, người dân và các lực lượng thực thi nhiệm vụ đang căng mình để bảo vệ sự bình yên của cuộc sống. Tại TP.HCM và cả nước đang xuất hiện hàng ngàn tấm gương xả thân vì cộng đồng, không ít người như anh Vũ Quốc Cường - chủ quán cơm chay Cường "béo", chị ma soeur Maria Trần Thảo Ngọc Linh (32 tuổi) đã ra đi... do nhiễm virus Corona khi tình nguyện giúp dân trong đại dịch...
Đó thực sự là những người tích cực các hoạt động thiện nguyện vì cái tâm, các anh, chị đã lặng lẽ xả thân vì cộng đồng, tự nguyện đến với các hoàn cảnh thương tâm từ đầu đợt dịch cho đến lúc qua đời vì nhiễm Covid-19. Ngay cả cái chết của họ cũng truyền cảm xúc và lan tỏa nhanh, rộng khắp cộng đồng để còn tiếp tục có thêm nhiều tấm gương đẹp trong công tác từ thiện, hiến dâng cho đời.
Còn những người như Bảo, như Nhân ngoài vẻ mặt hùng hổ "mày có biết tao là ai?", thì không biết họ đã làm được những gì cho cộng đồng. Bảo thì ngoài việc sử dụng ma túy đá khi cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp nơi ở của Bảo, thu giữ nhiều tài liệu, giấy tờ có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi của đối tượng. Khó ai có thể tin những người như Bảo lại có đủ cái tâm để đi làm từ thiện và từ trước đến nay chưa có lúc nào "ý Trời" lại đi sai khiến những người trần thông chốt, không đeo khẩu trang, hung hãn người thi hành công vụ khi đi làm việc thiện.
Sư Thường Chiếu, thuộc thế hệ 12 của dòng thiền Vô Ngôn Thông, từng khuyên bảo học trò: "Liễu tâm tu đạo đắc tĩnh lực nhi dị thành, bất liễu tâm tu đạo nãi phí công vô ích". Nghĩa là hiểu tâm tu đạo, thì ít mất sức, mà dễ thành công. Không hiểu tâm mà tu đạo thì uổng công vô ích.
Còn Nhân, người đã từng làm Phó tổng giám đốc một công ty bất động sản, nghĩa là ít nhiều hiểu biết pháp luật đã cả gan dám mạo danh Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 7, la lối um xùm tại tại một trung tâm thương mại ở phường Tân Phong, quận 7 kể cũng liều. Là người được ăn học, đã từng được cấp thẻ tham gia công tác tình nguyện, hơn ai hết chính ông phải biết gương mẫu và hỗ trợ cộng đồng thực hiện các quy định giãn cách, cách ly. Nhưng chính sự ảo tưởng về quyền lực đã khiến ông Hồ Hữu Nhân nóng giận, mất khôn và tự hủy hại hình ảnh cá nhân. Việc ông ta lớn tiếng gào lên: "Tui cho công an xuống gặp ông đó, tui mua cho ban chỉ đạo quận 7 nha", "tôi bước vô nè, thằng nào làm gì tôi!" đã khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 7 và công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Từ ngày xưa, ông bà ta đã từng nói đến câu "cáo mượn oai hùm" là thành ngữ để chỉ những người có thủ đoạn mượn thế kẻ mạnh làm lá chắn, đi hù dọa, lòe bịp người khác nhằm phục vụ ý đồ của mình. Trong cơn phê ma túy đá, Lâm Đình Bảo đã đem cái việc đi làm từ thiện, làm theo ý Trời để dọa lực lượng thi hành công vụ, thể hiện quyền năng sai chỗ và phải trả giá đắt bằng cách bị điệu cổ về cơ quan Công an. Những giọt nước mắt muộn màng của Bảo tại trụ sở công an phường Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một) là bài học cảnh tỉnh cho không ít người.
Hồ Hữu Nhân lại tưởng chỉ bằng một cái thẻ tình nguyện viên cùng những lời nói hùng hổ của mình là siêu thị phải mở cửa bán hàng cho vợ mình. Hơn ai hết, chính Nhân phải tự hiểu, kể cả mình là thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận 7 thì cũng phải chấp hành các quy định của Chính phủ, của Thành phố chứ không phải "cáo mượn oai hùm". Đến hôm nay, vụ việc ông Nhân đã được Công an quận 7 chuyển lên Ban giám đốc CA TP.HCM xem xét và quyết định hình thức xử lý đủ mạnh để răn đe những người thích ra oai với thiên hạ.
Không phải Bảo, Nhân là những người đầu tiên dùng chiêu "cáo mượn oai hùm" để lòe thiên hạ. Sự việc của Bảo và Nhân cũng gióng lên hồi chuông, không phải chỉ những anh chị phê ma túy, cho vay nặng lại mà những người đã từng có chức vụ, từng đứng trong hàng ngũ những người làm công tác tình nguyện vẫn có thể bốc đồng, cho phép mình được chà đạp pháp luật. Với Nhân, cũng là bài học cho những ông chồng, vì chữ sĩ to đùng trước người thân đã bất chấp hậu quả, dám mạo danh các cơ quan thực thi pháp luật hành xử theo kiểu chợ búa.
Những ngày qua, không ít hình ảnh thông chốt, chống đối người thi hành công vụ trong khi các địa phương thực hiện giãn cách, cách ly. Khi đất nước đang đại dịch, những hình ảnh xấu như thế cần phải được xử lý nghiêm, nhanh, để răn đe những ai bất chấp quy định luật lệ, bất chấp hiểm nguy gây ra, tự cho mình có quyền tự tung, tự tác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.