Tăng đột biến
Theo khoa Cấp cứu - Hồi sức Bệnh viện T.Ư Huế, so với năm 2009, thời gian này bệnh nhân mắc liên cầu lợn đến đây điều trị tăng đột biến. Thời điểm này năm trước mỗi tháng chỉ có 1-2 ca nhập viện nhưng năm nay số ca nhập viện tăng gấp nhiều lần. Từ tháng 4-2009 đến nay, khoa này đã tiếp nhận 55 ca bệnh liên cầu lợn. Cụ thể, tháng 4 có 14 ca, tháng 5 cũng có 14 ca, tháng 6 có 6 ca, tháng 7 có 9 ca và tháng 8 có 12 ca.
Các bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế đều đến từ các tỉnh miền Trung, trong đó Thừa Thiên - Huế là tỉnh có số bệnh nhân lớn nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay riêng số bệnh nhân liên cầu lợn ở Thừa Thiên- Huế đến điều trị tại bệnh viện này đã lên đến 32 ca.
Bệnh nhân nhập viện mới nhất của tỉnh này là ông N.Đ.Đ (60 tuổi, ngụ thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Ngày 27-9, sau khi ăn thịt lợn ở đám giỗ về, ông Đ bị đau bụng và sốt rất cao. Nhập viện, các kết quả xét nghiệm cho thấy ông Đ dương tính với liên cầu lợn. Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng suy đa phủ tạng, nhiễm trùng đường ruột, xuất huyết ngoài da…
Điều đáng nói, ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc liên cầu lợn đến điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế tử vong sau khi gia đình xin đưa về nhà do bệnh quá nặng. Trong đó, tháng 4 và tháng 5 có 4 bệnh nhân tử vong, từ tháng 6 đến tháng 8 có 3 bệnh nhân. Các bệnh nhân được gia đình xin đưa về lo hậu sự mới nhất là ông L.V.X (ngụ Triệu Vân, Triệu Phong, Quảng Trị), ông L. V.Đ (ngụ đường Đào Duy Từ, TP.Huế) và bà H.T.C (ngụ Phong Điền, Thừa Thiên - Huế).
Nguồn thịt lợn bệnh từ đâu?
Ông Dương Văn Sinh - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, bệnh liên cầu lợn ở người là do lây từ bệnh tai xanh ở lợn. Người dân ăn bất cứ sản phẩm nào của lợn tai xanh cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. Điều nguy hiểm là hiện người dân chưa được ngành chức năng thông tin đầy đủ về loại bệnh nguy hiểm này nên vẫn rất chủ quan.
|
Bệnh nhân N. Đ. Đ (60 tuổi) mắc liên cầu lợn bị suy đa phủ tạng, xuất huyết ngoài da đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế. |
Theo tìm hiểu của NTNN, tại Thừa Thiên - Huế, đã có hàng nghìn con lợn của người dân ở các huyện Hương Thủy, Hương Trà chết với các triệu chứng của bệnh tai xanh. Người dân có lợn chết đã bán tháo ra thị trường nhằm vớt vát phần nào thiệt hại. Tỷ lệ thuận với tình trạng bán tháo lợn dịch này là số người mắc liên cầu lợn trên địa bàn tăng đột biến.
Trong khi người dân và thú y cơ sở khẳng định tình trạng lợn chết là do dịch tai xanh thì Chi cục Thú y tỉnh lại phủ nhận thông tin này. Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, những bệnh nhân mắc liên cầu lợn trên địa bàn tỉnh là do đã ăn thịt lợn bị bệnh từ các tỉnh khác chứ trên địa bàn tỉnh chưa có dịch tai xanh(?!).
Tuy nhiên, tiếp xúc với NTNN, nhiều người nhà bệnh nhân liên cầu lợn ở Thừa Thiên- Huế khẳng định người thân của họ phát bệnh sau khi ăn thịt lợn được mua từ các chợ trên địa bàn.
"Đối với người tiêu dùng, khi sử dụng thịt lợn phải là thịt có dấu của thú y, tiếp xúc với lợn dịch phải mang bao tay để tránh lây bệnh qua vết xước. Khi ăn thịt lợn thì phải nấu thật chín, nếu luộc thì phải để sôi tối thiểu 10 phút" - ông Dương Văn Sinh.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.