Giá thuốc điều trị đau mắt đỏ mỗi nơi "nhảy múa" mỗi kiểu
Gia tăng ca mắc đau mắt đỏ, giá thuốc điều trị mỗi nơi "nhảy múa" mỗi kiểu
Gia Khiêm
Thứ năm, ngày 28/09/2023 08:57 AM (GMT+7)
Cách đây không lâu, thuốc điều trị đau mắt đỏ có giá dao động từ 20 nghìn – 45 nghìn đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, khi số ca đau mắt đỏ tăng dần, mặt hàng thuốc dành riêng cho mắt cũng có dấu hiệu tăng.
Gia tăng ca mắc đau mắt đỏ, giá thuốc điều trị mỗi nơi "nhảy múa" mỗi kiểu
Những ngày vừa qua số người bị đau mắt đỏ tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành liên tục gia tăng mạnh. Đáng chú ý, nhiều trường học cũng đã thông báo số trẻ trong lớp mắc và đề nghị phụ huynh nếu phát hiện con có biểu hiện của đau mắt đỏ thông báo cho cô giáo chủ nhiệm đồng thời cho học sinh nghỉ ở nhà điều trị để tránh lây lan sang trẻ nhỏ khác.
Tại nhiều hiệu thuốc nhiều người dân tìm hỏi mua thuốc điều trị đau mắt đỏ. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc điều trị có thành phần kháng sinh, có tác dụng vừa kháng/chống viêm, vừa điều trị nhiễm khuẩn. Một số sản phẩm nhỏ mắt điển hình được chỉ định sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ như Bratorex, Tobrex, TobraDex, Cipro-usl, Biloxcin…
Tobrex và TobraDex là 2 sản phẩm điển hình và phổ biến có thành phần kháng sinh được các nhà thuốc tư vấn, bán cho người bị đau mắt đỏ. Với giá bán trung bình từ 40 nghìn – 45 nghìnđồng/lọ ở thời điểm số ca bệnh đau mắt đỏ ít. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân Việt ngày 27/9, hai sản phẩm nói trên có giá bán khoảng 75 nghìn - 80 nghìn đồng/lọ.
Tại nhà thuốc T.C., ở đường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, thuốc TobraDex dung tích 5ml đang được nhà thuốc bán công khai 75 nghìn đồng. Nhân viên nhà thuốc này cho biết, dung dịch nhỏ mắt TobraDex có thành phần Tobramycin 0,3% điều trị nhiễm khuẩn, điều trị viêm, đau rát vùng mắt, vừa có thành phần Dexamethasone có tác dụng chống viêm. Bởi vậy, loại thuốc này thường được bác sĩ kê đơn cho người đau mắt đỏ.
Tại nhà thuốc K.A., đường Vũ Hữu, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thuốc điều trị đau mắt đỏ Tobrex đang rao bán công khai là 85 nghìn đồng/lọ 5ml. Trong khi trước đó, ở thời điểm cuối tháng 8/2023, nhiều người cho biết mua với giá chỉ 45 nghìn đồng/lọ 5ml.
Nhà thuốc T.M., ở khu đô thị HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hai loại thuốc trên nhà thuốc không bán nhưng khẳng định rằng rất nhiều loại thuốc chữa đau mắt đỏ có thành phần kháng sinh giống nhau. Cũng tại một nhà thuốc ngay gần đó cũng đưa ra một loại khác với mức giá tương tự và cho biết, mỗi công ty sản xuất tên khác nhau nhưng đều cùng thành phần chữa đau mắt đỏ.
Nhiều trẻ loét giác mạc do cha mẹ làm điều sai lầm này!
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, hằng tuần ghi nhận 700-800 ca đến khám một tuần, quá nửa là bệnh nhân đau mắt đỏ. Tỉ lệ biến chứng 15-20%.
PGS.TS Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo, hiện nay trên địa bàn TP.Hà Nội và một số tỉnh lân cận đang có dịch viêm kết mạc cấp. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc và thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ.
Khi điều trị bệnh viêm kết mạc cấp cho trẻ nhỏ, với ca nặng thì vai trò của bố mẹ và người thân vô cùng quan trọng. Theo đó cần tuyệt đối ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt; cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ, tránh để trẻ khóc làm trôi thuốc; tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị và tái khám.
Thông thường, viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).
Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng.
Bác sĩ Cung giải thích thêm với viêm kết mạc cấp khi phản ứng viêm mạnh thì mi sẽ sưng nề nhiều và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (là một màng trắng bám vào kết mạc). Giả mạc sẽ làm phản ứng viêm nặng hơn và ngăn thuốc không thấm vào kết mạc được. Vì vậy, khi xuất hiện giả mạc thì cần phải bóc đi, sau khi bóc giả mạc có thể tái phát lại nên cần phải bóc nhiều lần cho đến khi hết hẳn.
Hiện nay, chưa có thuốc kháng Adenovirus (virus gây bệnh đau mắt đỏ) đặc hiệu, vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm.
"Viêm kết mạc cấp làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn và bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc.
Hơn nữa, trẻ em không có ý thức giữ gìn vệ sinh nên tay dễ bị nhiễm bẩn và khi đưa tay lên dụi mắt sẽ làm cho các vi sinh bám ở tay nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. Trẻ em lại không hợp tác nên rất khó điều trị, khó tra nhỏ thuốc vào mắt và thậm chí khi nhỏ thuốc vào mắt rồi thì trẻ lại khóc làm cho nước mắt rửa trôi hết thuốc", ông Cung lưu ý.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Mai Hương, Khoa Chấn thương Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng chỉ ra một số sai lầm thường gặp khi cha mẹ chăm sóc trẻ đau mắt đó, như khi tra thuốc từ bác sĩ kê, 5 ngày thấy đỡ không đỏ nữa thì bỏ thuốc. 2 ngày sau đến tình trạng mắt mờ hơn vì lòng trắng đỡ, nhưng lòng đen bị virus tấn công gây ra mờ, khi đó điều trị khó hơn và phải điều trị dài hơi. Việc bỏ thuốc giữa chừng làm virus bùng trở lại làm cho người bệnh trở nặng hơn.
Chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ không đúng cách, ví như ngay việc nhiều bà mẹ dùng chiếc khăn tay để thấm dịch tiết từ mắt đau rất mất vệ sinh, là nguy cơ gây thêm bội nhiễm…, hoặc tự ý mua thuốc tra cho trẻ thuốc. Và thường gặp nhất là cha mẹ ra hiệu thuốc và được kê tra Tobrex, rất nguy hiểm. Bởi với trẻ con thuốc này rất nặng, không làm bệnh giảm mà trầm trọng hơn. Vì thế em bé nào có vấn đề nên đi khám để được tư vấn, chỉ định điều trị phù hợp, tránh biến chứng đáng tiếc.
Bộ Y tế: Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch đau mắt đỏ để tăng giá thuốc
Ngày 26/9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuốc Trung ương, bệnh viện, cơ sở kinh doanh đảm bảo cung ứng thuốc, kiểm soát giá các thuốc liên quan đến điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Cụ thể, Cục yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị;
Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện).
Đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Các bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo các hình thức phù hợp để bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở và nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng hợp đồng cung ứng thuốc trúng thầu đã ký kết;
Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.