Giá USD vượt 23.000 đồng, dự báo 'nóng' về tỷ giá - lạm phát
Giá USD vượt 23.000 đồng, dự báo 'nóng' về tỷ giá - lạm phát
Huyền Anh
Chủ nhật, ngày 13/03/2022 11:34 AM (GMT+7)
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại vượt 23.000 đồng (VND/USD, bán ra). Theo các chuyên gia, những áp lực lên tỷ giá lớn dần, dồn áp lực lên chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá USD tăng mạnh lên 23.000 đồng, áp lực lên tỷ giá lớn dần
Theo số liệu thống kê từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), tính tới thời điểm cuối tháng 2/2022, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng nhẹ, do những biến động trên thị trường quốc tế.
So với cuối tháng 1, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 80 đồng/USD và hiện giao dịch ở mức 23.475 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.140 đồng/USD, tăng 41 đồng/USD và 22.980 đồng/USD, tăng 99 đồng/USD.
Đà tăng của tỷ giá tiếp tục được kéo dài sang tháng 3 khi tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 6 trong 7 phiên giao dịch gần đây.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá trong tuần vừa qua cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh lên 23.000 VND/USD (bán ra). Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 50 đồng, tương đương tăng 0,2%.
Mặc dù chưa có diễn biến tăng đột biến, song theo các chuyên gia, áp lực đối với VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế và áp lực lạm phát cao hơn từ giá năng lượng tăng.
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, trong ngắn hạn, áp lực giảm giá của VND đang rất hiện hữu do những thay đổi về chính sách tiền tệ của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed), cùng với rủi ro về tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng như căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine đang diễn ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy vị chuyên gia này cho rằng, vai trò điều hành của Ngân hàng Nhà nước được thể hiện nhiều hơn. Theo đó, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được vận động theo hướng linh hoạt, thích ứng với những biến số mới trên thị trường sẽ giúp xu hướng trung và dài hạn của tỷ giá ổn định hơn.
Tỷ giá USD không phụ thuộc quá lớn vào lạm phát?
Chia sẻ tại một hội thảo mới đây,ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, yếu tố tỷ giá của Việt Nam hiện nay không phụ thuộc quá lớn vào lạm phát.
Ông Khang phân tích, hiện tại lạm phát của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ. Như vậy, những tác động của lạm phát lên tỷ giá cũng không còn như trước.
Chẳng hạn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ là 7,5%, trong khi đó CPI của Việt Nam thấp hơn tới 5 điểm %. Đây là mức chênh lệch lớn, nên nhận định lạm phát gây áp lực đến tỷ giá tại thời điểm này là không đúng – theo ông Khang.
Thậm chí, nhóm chuyên gia nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, chênh lệch dương giữa lạm phát Mỹ và lạm phát của Việt Nam đang là một điểm thuận lợi đối với việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước.
Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận, lạm phát thì không tác động nhiều tới tỷ giá, biến động của tỷ giá hoàn toàn dựa trên cung cầu ngoại tệ.
Cũng theo các chuyên gia, thời gian qua tỷ giá được giữ ổn định. Ngân hàng Nhà nước điều hành tốt trong việc cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế và điều hành tỷ giá. Do đó, việc ổn định tỷ giá đối với bối cảnh Việt Nam hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.