Già Y Kông - Người tự đẽo quan tài cho mình

Thứ năm, ngày 02/01/2014 07:06 AM (GMT+7)
30 năm sưu tầm, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu, ông được ví như “bảo tàng sống” của đồng bào nơi đây. Ông là già Y Kông (84 tuổi), hiện sống ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam.
Bình luận 0
Sau khi nghỉ hưu, không ngồi yên một chỗ, ông Y Kông đã lặn lội khắp vùng có người Cơ Tu sinh sống để sưu tầm và khôi phục những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình.

Tự đẽo... quan tài cho mình

Đi đâu, ông cũng mang theo những nhạc cụ truyền thống, để mỗi khi dừng chân có thứ giải trí. Ông là một trong số hiếm hoi già làng Cơ Tu trên dãy Trường Sơn đại ngàn còn bảo tồn và gìn giữ được văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Năm 2010, ông bỏ ra hơn 6 tháng trời, dành dụm từng đồng đi tìm gỗ mua về rồi ngồi đục đẽo chiếc quan tài dành riêng cho mình. Bởi theo ông đó là truyền thống đang mất dần của đồng bào Cơ Tu.

Già làng Y Kông với những nhạc cụ mà ông sưu tầm được.
Già làng Y Kông với những nhạc cụ mà ông sưu tầm được.

Câu chuyện già làng Y Kông đục đẽo quan tài lan rộng khắp buôn làng núi rừng Đông Giang. Ngôi nhà của ông được dành toàn bộ không gian để trưng bày những đồ vật, tượng hình người, tượng nhà Gươl, nhà mồ Cơ Tu… Căn nhà dường như quá nhỏ cho việc trưng bày những bức tượng, phù điêu của đồng bào Cơ Tu mà ông sưu tầm được. Gian trong là nơi ông đặt chiếc quan tài được ông kỳ công đục đẽo suốt gần 6 tháng trời.

Y Kông kể, quan tài được đẽo gọt từ nguyên một thân cây lớn gần 3 người ôm mới hết, xẻ đôi rồi khoét rỗng ở giữa. Ông tạc một đầu là đầu trâu, một đầu đầu voi. Ông gọi chiếc hòm này là “T'rang Ch'ríh” - nghĩa là chiếc hòm kỳ lạ, vì theo lời ông kể, từ trước đến nay chưa có ai chạm khắc công phu trên chiếc hòm của mình bao giờ.

Già làng Y Kông kể, ngày xưa, những người đàn ông Cơ Tu khoẻ mạnh đều tự đẽo chiếc quan tài cho riêng mình, phòng lúc chết không phiền họ hàng, bà con lối xóm. Quan tài được coi là vật quý, được người Cơ Tu dành tặng cho nhau trong mỗi dịp lễ hội. Tuy nhiên, văn hoá tự đẽo quan tài cho mình gần trăm năm nay đồng bào Cơ Tu không còn lưu giữ nữa và đang đứng trước nguy cơ biến mất. Chiếc quan tài này có du khách rất thích và muốn mua trên trăm triệu đồng, nhưng ông không bán.

Đam mê và tài hoa

Ngôi nhà như bảo tàng ấy của Y Kông được rất nhiều du khách biết đến và ghé thăm. Già làng cho biết, nhà ông đã đón tiếp khách từ 40 quốc gia. Trong cuốn sổ lưu bút, dày đặc những dòng chữ du khách từ khắp nơi ghi lại cảm tưởng của mình.

Già Y Kông kể, cách đây hơn 30 năm, phần do chiến tranh loạn lạc, phần vì công cuộc đổi mới đất nước đang đứng trước giai đoạn khó khăn nên văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không được quan tâm đúng mức, bị mai một dần. Và ông muốn bào tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo đó. Trong gian nhà của mình, ông trang trí những bức tượng vẫn còn giữ nguyên nét mộc mạc, hoang sơ của đồng bào Cơ Tu mà ông sưu tầm được. Ngoài ra, trong nhà có đầy đủ các loại nhạc cụ như bộ trống chiêng, sáo rahem, a luốt, abel... Ông là người Cơ Tu cuối cùng của huyện còn lưu giữ và chơi được các loại nhạc cụ của dân tộc mình.

Năm 2007, ông tiếp tục bỏ tiền và mất gần 1 năm trời để phục dựng nhà Gươi truyền thống ngay trong nhà mình. Ông tỉ mẩn đục đẽo, điêu khắc hoa văn trang trí với nhiều hình tượng đẹp mắt như hươu nai, cá sấu, đầu trâu, múa tâng tung da dá… Trong nhà Gươi, Y Kông trang trọng bài trí ảnh thờ Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc chính giữa, hai bên là các ché gỗ, tượng gỗ do chính tay ông chế tác.

Kim Oanh (Kim Oanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem