Giải pháp ngăn "sóng" rút bảo hiểm xã hội một lần

Theo Lao Động Thứ bảy, ngày 10/06/2023 07:18 AM (GMT+7)
Đồng nghiệp tại doanh nghiệp nơi tôi làm việc vừa mới xin nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động sau gần 20 năm gắn bó công tác, tham gia, đóng bảo hiểm xã hội.
Bình luận 0

Chị cho biết sẽ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi hết một năm hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không bảo lưu hoặc đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để sau này có lương hưu. Điều đáng nói gia đình chị thuộc loại khá giả. 

Giải pháp ngăn "sóng" rút bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh 1.

Giải pháp ngăn "sóng" rút bảo hiểm xã hội một lần

Lý do mà chị mong muốn rút bảo hiểm xã hội một lần là do bản thân chị chưa thật sự thấy an tâm, tin tưởng với chính sách cũng như Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay. Luật Bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội liên tục có những thay đổi khiến nhiều người lao động đang tham gia như chị rất bất an và nhiều lo lắng. Chị bảo từ đây đến tuổi nghỉ hưu còn gần chục năm nữa không biết chính sách, Luật Bảo hiểm xã hội có gì thay đổi nữa hay không, nhất là độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới có tăng thêm và đặc biệt là chính sách hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần có sửa đổi gì không... Vì vậy chị bảo cứ rút trước đã rồi sau này tính tiếp.

Câu chuyện trên cho thấy có một bộ phận người lao động còn có tâm lý e ngại, bất an, chưa thật sự an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào chính sách bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Các quy định về bảo hiểm xã hội thường xuyên thay đổi, đặc biệt là độ tuổi nghỉ hưu, chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần khiến công nhân, người lao động luôn trong tâm thế thấp thỏm, bất an...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đối tượng làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần đa số là rơi vào nhóm đối tượng công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất. Khi bản thân không may bị mất việc làm và bị thất nghiệp thì lúc này việc lựa chọn rút bảo hiểm xã hộimột lần, chấp nhận rời bỏ hệ thống an sinh xã hội là lựa chọn duy nhất để lấy tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống trong khi bản thân họ không còn nguồn tích lũy hay để dành nào khác. Tài sản lớn nhất của công nhân, người lao động lúc này là số năm đã tham gia, đóng bảo hiểm xã hội.

Thiết nghĩ để giải quyết bài toán nan giải, hạn chế làn sóng rút tiền bảo hiểm xã hội một lần không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành bảo hiểm xã hội, của ngành lao động mà rất cần sự chung tay, hiệp sức và đồng lòng của các cơ quan, đoàn thể và cả cơ quan, doanh nghiệp nơi công nhân, người lao động làm việc.

Trước hết, cần phải giữ vững, đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân, người lao động. Đặc biệt là phải nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động để đảm bảo được rằng người lao động có tích lũy từ tiền lương, có tiền để dành ngoài khoản tiền là những năm tháng đã tham gia, đóng bảo hiểm xã hội. Khi đã có tiền tích lũy và không may bị mất việc làm, bị thất nghiệp thì lúc này công nhân, người lao động cũng đã có tiền để dành để chi tiêu, trang trải cuộc sống mà không còn lo nghĩ đến việc rút "của để dành", chấp nhận rời bỏ hệ thống an sinh xã hội.

Cùng với đó quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp bằng những chính sách thiết thực, cụ thể, nhất là những doanh nghiệp đang rơi vào tình thế khó khăn, có sử dụng nhiều lao động để doanh nghiệp an tâm hoạt động sản xuất, vượt qua khó khăn, trở ngại, giữ vững việc làm, tăng thêm thu nhập cho công nhân, người lao động.

Bên cạnh đó, việc truyền thông về các chính sách về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là Luật Bảo hiểm xã hội cần hướng tới tạo sự an tâm, niềm tin, sự tin tưởng tuyệt đối đối với người đóng bảo hiểm xã hội là công nhân lao động. Chính sách cũng cần tính ổn định,  có "tuổi thọ" cao mà không gây ra tâm lý bất an, tâm lý lo lắng qua mỗi lần sửa đổi, bổ sung, nhất là chính sách về hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần và độ tuổi nghỉ hưởng chế độ hưu trí của công nhân, người lao động. Bởi đây là hai chế độ quan trọng nhất được quy định của Luật bảo hiểm xã hội, được người lao động quan tâm và mong muốn nhiều nhất qua các lần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem