Giải phóng mặt bằng chậm, không đáp ứng yêu cầu của Tỉnh uỷ, UBND ban tỉnh Ngày 24/12, UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã ban hành thông báo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, các dự án do Ban QLDA giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, trong nhiều tháng gần đây tình hình triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định có dấu hiệu chậm lại, không đáp ứng yêu cầu tiến độ theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án cơ bản mới chỉ thực hiện phần đất nông nghiệp, khối lượng công việc còn lại là rất lớn và phức tạp như: nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, hạ tầng kỹ thuật,...
Ban QLDA giao thông tỉnh, các đơn vị, địa phương có liên quan cần tập trung đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng kiểm tra tuyến đường ven biển hồi tháng 9. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các đơn vị, địa phương còn chưa chặt chẽ.
Dẫn tới việc giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định định cư còn chậm gây ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Việc giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng rất bị động, thiếu sự phối hợp trong việc bố trí, phân bổ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng của các dự án.
"Một số địa phương có nguy cơ không thể giải ngân hết vốn, trong khi đó có nhiều địa phương, đơn vị lại không có tiền để chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng", ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay.
Tuyệt đối không để xảy ra thông đồng với nhà thầu, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình Trước tình huống còn nhiều "gian nan" như trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Ban QLDA giao thông tỉnh, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án ngay khi điều kiện thời tiết thuận lợi; giải ngân vốn đã bố trí đạt 100%, nhất là vốn Trung ương hỗ trợ cho các dự án. Phân bổ nguồn vốn phù hợp cho các địa phương, đơn vị có liên quan để đảm bảo tiến độ giải ngân.
Ngoài ra, quản lý chặt chẽ khối lượng chất lượng, tiến độ các dự án, kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ dự thầu và các hợp đồng xây dựng, tư vấn để đảm bảo các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn phải cung cấp đầy đủ nhân lực, thiết bị, vật tư đúng theo hồ sơ dự thầu.
Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thông đồng với nhà thầu để đưa vào sử dụng các vật tư, thiết bị không đúng hồ sơ dự thầu gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nhất là phải tăng cường công tác quản lý chất lượng, khối lượng và tiến độ đối với các đơn vị thi công ở ngoài tỉnh đến thuê lại các nhà thầu địa phương, thực hiện thi công không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu.
"Khẩn trương kiểm tra, rà soát, rút kinh nghiệm để kịp thời khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác quản lý chất lượng xây dựng đối với các dự án giao thông do Ban QLDA Giao thông tỉnh làm chủ đầu tư", ông Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu.
Tuyến đường ven biển của tỉnh Bình Định được xây dựng, đi qua một số vị trí địa hình núi rất khó khăn trong thi công. Ảnh: Dũ Tuấn.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng lưu ý, công tác quản lý chất lượng công trình phải được thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm các quy chuẩn hiện hành để tránh các hư hỏng phát sinh sau khi đưa công trình vào khai thác.
Các đơn vị thi công, nhà thầu tư vấn không đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng xây dựng công trình thì phải kịp thời chấn chỉnh.
Nếu cần thiết thì điều chỉnh, thay thế để đảm bảo kế hoạch tiến độ và chất lượng xây dựng công trình.
Đặc biệt, Giám đốc Ban QLDA Giao thông tỉnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh, nếu để xảy ra tình trạng hư hỏng, không đảm bảo chất lượng các công trình do Ban làm chủ đầu tư.
"Phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo tình hình triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các khó khăn vường mắc và đề xuất giải pháp thực hiện khả thi hiệu quả, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 mỗi tháng để xem xét, chỉ đạo thực hiện", ông Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng giao nhiệm vụ cho các địa phương, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nhất là nguồn vốn Trung ương bố trí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, để có kế hoạch giải ngân phù hợp hoặc kiến nghị điều chuyển để đảm bảo giải ngân hết vốn đến ngày 31/12/2022.
Giám đốc Ban QLDA giao thông tỉnh Bình Định Lưu Nhất Phong (bên phải) nói về các vấn đề liên quan đến tiến độ dự án do Ban làm chủ đầu tư. Ảnh: Dũ Tuấn.
Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các khó khăn vường mắc và đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp gửi báo cáo cho UBND tỉnh Bình Định, trước ngày 25 hàng tháng.
Các Sở, ngành có liên quan phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư, các địa phương, đơn vị có liên quan giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án theo chức năng quản lý ngành.
Văn phòng UBND tỉnh Bình Định phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan xếp lịch họp kiểm tra tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm theo định kỳ hàng tháng.
"Sở TNMT có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ Tổ trưởng tổ giải quyết vướng mắc bồi thường, GPMB các dự án giao thông tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện", ông Nguyễn Tự Công Hoàng giao nhiệm vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.