Ở miền Tây Nam bộ với đặc trưng địa hình là hệ thống kênh rạch, sông ngòi như bàn cờ. Thủy triều ngày hai đợt lên xuống, mé sông là những bãi bùn với lớp phù sa mềm nhão... Đó là môi trường lý tưởng để loài cá chạch đất sinh sống.
Dân gian miền Tây phân biệt cá chạch đất, với cá chạch lấu. Cá chạch đất con nhỏ cỡ ngón chân cái, màu nâu xám, đuôi có bông nhạt. Cá chạch lấu lớn hơn, màu sắc đỏ rằn ri và sặc sỡ hơn.
Khi nước ròng giựt bãi, dân quê thường hay rủ nhau đi móc cá chạch. Theo kinh nghiệm, quan sát bằng mắt người ta có thể đoán biết nơi nào có cá chạch ẩn mình. Chỉ cần tay không cũng có thể bắt được loại cá này. Tuy nhiên, do trên lưng cá chạch có gai nhọn, đâm khá đau, nên trẻ con và người chưa từng trải ít dám ra tay... bắt cá theo kiểu này. Ngoài ra, người ta còn bắt cá chạch bằng cách đặt nò, đặt vó, … trên sông.
Cá chạch bắt được đem về thả vào nước rọng chừng một buổi để cá sẽ nhả hết cặn bã trong bụng ra ngoài. Sau đó, người ta rửa cá chạch bằng giấm chua. Chính chất chua này, làm cá sạch hết nhớt. Người ta cũng có thể dùng lá chuối xiêm hoặc lá sả chà thêm vào cá. Dùng kéo bén cắt bỏ phần chót miệng và đuôi cá, rửa cá sạch lại bằng nước lạnh rồi để ra rổ cho ráo. Cá chạch đất ăn rong và các loại nhuyễn thể nên người ta không cần phải mổ bụng khi làm chúng.
Cá chạch sau khi đã làm sạch.
Cá chạch chiên giòn với sả, ớt.
Sau khi đã sơ chế, ta đem cá ướp sơ với ít nước mắm ngon, chút bột ngọt. Trong lúc chờ cá thấm, ra vườn cắt tép sả vào xắt, bằm nhuyễn cùng vài trái ớt chín đỏ.
Vài giờ sau khi đã ướp cá thì bắc chảo lên chiên. Mỡ, dầu nóng sẽ làm cá vàng ươm, giòn rụm. Khi ấy, trút sả ớt vào chiên thêm cho vàng thì gấp cá ra dĩa.
Cá chạch đất chiên sả ớt có thể ăn kèm với rau sống hái từ vườn nhà hoặc dĩa rau lang luộc, kèm theo đó là dĩa nước mắm chua cay, hoặc nước tương với ớt hiểm. Bữa cơm đạm bạc nhà quê chỉ cần có vậy, nhưng nó vừa đủ chất dinh dưỡng, lại ngon miệng và hấp dẫn không kém các món ăn chế biến cầu kì, nhiều thịt, mỡ chốn thị thành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.