Nhiều khán giả đã kết luận: “Đây là chương trình thi hát tiếng Anh chứ giọng hát Việt gì”.
Trong 16 thí sinh của tập 3, chỉ có 4 người chọn ca khúc Việt Nam, trong đó ca khúc nổi tiếng “60 năm cuộc đời” (Y Vân) do Lê Minh Mẫn trình bày cũng không thể gọi là “thuần Việt” vì thí sinh này đã cải biên, đặt lời mới tiếng Anh, hát song ngữ theo tinh thần “phá nhạc”.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2012/images/2012-07-23/1434701301-176_8_le-minh-man.jpg) |
Thí sinh Lê Minh Mẫn hát “song ngữ”. |
Cho dù Ban tổ chức “Giọng hát Việt” cố bao biện rằng đây là chương trình tìm kiếm giọng hát nên thí sinh hát theo ngôn ngữ nào cũng được chấp nhận, thế nhưng tập 3 đã phát sóng chỉ chứng tỏ một điều, giới trẻ đang tiến quá nhanh vào trạng thái “vọng ngoại” trong âm nhạc mà không có ai đứng ra điều chỉnh.
Vai trò gìn giữ “bản sắc văn hóa dân tộc” của VTV trong gameshow “Giọng hát Việt” thực sự là mờ nhạt khi để cho số lượng bài hát “ngoại” độc chiếm ưu thế trong tập 3 như vậy. Nên có một quy định rõ ràng về số lượng ca khúc tiếng Anh được phép xuất hiện trong một chương trình tìm kiếm giọng hát kiểu thế này.
Kho tàng các ca khúc Việt không thiếu, lại rất nhiều ca khúc hay, nhưng các thí sinh đã không tự tin để thể hiện giọng hát của mình với ca khúc Việt, có lẽ bởi vì hát tiếng Anh, họ sẽ dễ dàng dùng những màu mè, gầm gào khỏa lấp đi điểm yếu trong thanh nhạc, cách phát âm.
Không phải chỉ hát tiếng Anh thì mới chứng tỏ là các tài năng âm nhạc Việt Nam có khả năng “hội nhập” với thế giới, trong khi việc quan trọng hơn là họ phải thuyết phục được khán giả trong nước tin rằng mình có thể hiểu và phô diễn được vẻ đẹp các ca khúc tiếng mẹ đẻ.
Lê Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.