Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội: Ai sẽ được vay tiền?

Trần Kháng Thứ bảy, ngày 30/10/2021 11:25 AM (GMT+7)
Đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng mới đây được nhiều chuyên gia ủng hộ. Đặc biệt, đề xuất này mở lại giấc mơ an cư cho nhiều người lao động thu nhập thấp.
Bình luận 0

Ai được vay tiền từ gói tín dụng 65.000 tỷ đồng?

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, 50.000 tỷ đồng còn lại để cho các đối tượng vay ưu đãi.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm trong 5 - 15 năm.

Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội: Mở lại giấc mơ an cư của người lao động - Ảnh 1.

Khu nhà ở cho công nhân ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng

Công nhân khu công nghiệp vay thuê nhà ở, thuê nhà lưu trú thì chỉ cần có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp. Với trường hợp vay mua, thuê mua thì cần đáp ứng đủ các điều kiện về đối tượng, thực trạng nhà ở, điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập theo quy định của pháp luật nhà ở xã hội hiện hành (khoản 16 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 22 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội).

Điều kiện để chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê, vay đầu tư xây nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua được vay vốn là đã có quyết định chủ trương đầu tư, đã có đất sạch, đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng.

Việc cho vay sẽ ưu tiên với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai thực hiện nhưng bị dừng do thiếu vốn, dự án đã hoàn thành xây dựng xong phần móng; dự án đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo phân kỳ đầu tư (nếu có).

Trước thông tin này, nhiều công nhân ở một khu công nghiệp Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng, mong chờ. Bởi, theo nhiều công nhân, giá nhà ở tại các khu vực gần khu công nghiệp này ở mức cao, thu nhập của công nhân hiện tại không thể đủ mua nhà.

"Trừ chi phí sinh hoạt gia đình, 2 vợ chồng tôi chỉ để ra được khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Với số tiền này thì giấc mơ an cư ở Hà Nội là quá xa vời. Tôi hi vọng gói vay 65.000 tỷ đồng sẽ tạo ra cơ hội mua nhà cho những người lao động như chúng tôi", anh Nguyễn Văn Hiếu – một công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Vĩnh Hưng chia sẻ.

Sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn

Trao đổi với PV Dân Việt, nhiều chuyên gia đều bày tỏ sự đồng tình trước đề xuất bố trí gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất).

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhìn nhận, gói tín dụng tín dụng 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội được thông qua sẽ là cú hích tích cực cho cả kinh tế - xã hội. Nó không đơn thuần là đáp ứng nhu cầu cho công nhân, người yếu thế trong xã hội, mà đây còn được coi là động thái xã hội rất tích cực, mang lại niềm vui, an cư cho nhiều người. Đặc biệt, khi giá bất động sản đang trên đà giá cao khiến việc tiếp cận nhà ở của công nhân, người lao động thu thấp đang gặp nhiều khó khăn.

"Tôi cho rằng, đề xuất của Bộ Xây dựng đã đáp ứng được mục tiêu kép. Trong đó, nhu cầu trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân lao động, đồng thời khắc phục sự đứt gãy, khan hiếm nguồn cung nhà ở giá thấp trên thị trường bất động sản thời gian qua", ông Điệp nhận mạnh.

Gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội: Mở lại giấc mơ an cư của người lao động - Ảnh 3.

Nhiều dãy nhà ở xã hội trong khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng

Cũng liên quan tới đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) bảy tỏ rất vui mừng khi Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cấp 2 gói tín dụng có tổng giá trị 65.000 tỷ đồng.

"Tôi cũng như nhiều người lao động đang nóng lòng chờ động thái của Chính phủ sẽ chấp thuận kiến nghị của Bộ Xây dựng. Cứ nhìn hiệu quả của gói 30.000 tỷ đồng triển khai từ 2013 - 2016 với 30% cho chủ đầu tư, 70% là cho người mua nhà vay, lãi suất phổ biến là 5%/năm đã tạo ra sức mạnh lan tỏa rất lớn đến nền kinh tế. Hàng nghìn gia đình đã có chỗ ở ổn định, lại giải quyết được lượng lớn tồn kho bất động sản, giảm nợ xấu, tạo đà phục hồi mạnh cho thị trường bất động sản – thị trường đầu tàu liên quan đến nhiều ngành kinh tế", ông Châu nói.

Theo ông Châu, nếu kiến nghị của Bộ Xây dựng được Chính phủ thông qua sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn. Chưa kể, do bất động sản là ngành đầu mối liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác: vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công, máy xây dựng… Từ đó, tạo ra được vô số việc làm để thu hút được nhân công trở lại làm việc thay vì dòng người di tản về quê dẫn đến thiếu hụt lao động như hiện nay.

"Nhân công có niềm tin trở lại lao động an toàn cũng là điều kiện tiên quyết của phục hồi sản xuất, đem lại sức sống cho nền kinh tế. Đồng thời, tạo ra tính liên hoàn trong chuỗi sản xuất, cung ứng, sự vận hành bình thường của xã hội. Từ đó, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy đảm bảo rằng hoạt động sản xuất ở nước ta vẫn bình thường, an toàn, không những giúp giữ chân mà còn thu hút được thêm dòng vốn FDI vào", ông Châu nói.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nhà ở giá rẻ (nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân) thời gian quan rất ít, cá biệt như TP.HCM gần như không có, hay Hà Nội thì chiếm số lượng quá nhỏ so với nguồn cung nhà ở trên thị trường. Vì thế, việc dành ra một khoản vốn để đầu tư nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội là một điều cực kỳ cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, việc đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội cũng cần phải xem xét một cách cẩn trọng. Tính khả thi của đề xuất này cần phải nhìn ở 2 vấn đề là: Cẩn trọng nguồn vốn và hiệu quả sử dụng.

"Khi nguồn lực còn hạn chế thì cần phải biết tập trung vào những địa phương trọng điểm, đối tượng cụ thể đang cần kíp được hỗ trợ chứ không nên tràng màng, chung chung, khó tạo ra hiệu quả rõ rệt. Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, làm rõ để đề xuất rõ ràng hơn với Chính phủ để "liều thuốc đặc trị được tiêm đúng ổ bệnh". Có thể chọn địa bàn TP.HCM, Bình Dương… làm trọng điểm trước. Do đấy là những nơi tập trung dân số cao, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó đánh giá hiệu quả", ông Thịnh nêu.


Nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025

Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 khoảng 294.600 căn, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.

Số lượng các dự án đang triển khai thực hiện là 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 274.000 căn, tổng mức đầu tư khoảng 214.000 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem