Trên Facebook cá nhân, GS.TS Trương Nguyện Thành chia sẻ góc nhìn về mối liên hệ giữa U23 Việt Nam với giáo dục nước nhà. Được sự cho phép của tác giả, Zing.vn đăng tải bài viết của ông.
U23 Việt Nam đã chiến thắng chính mình khi phải thi đấu trong điều kiện thời tiết không quen thuộc, nếu không gọi là khắc nghiệt, và không chùn bước khi phải gặp đối thủ mà cả HLV Park Hang-seo và các cầu thủ Việt Nam đều rõ hơn ai hết về thể lực cũng như độ điêu luyện.
U23 Việt Nam đã chiến thắng khi để lại trong lòng mỗi một người Việt Nam trong nước hay ở nước ngoài niềm tự hào dân tộc. U23 Việt Nam đã chiến thắng.
Từ U23 Việt Nam, chúng ta học được gì cho phát triển khoa học và giáo dục ở Việt Nam?
Tiềm năng của giới trẻ, U23 Việt Nam cho thấy thể lực của thế hệ trẻ không thua ai và nếu được huấn luyện kỹ lưỡng thì có thể đi ra đấu trường quốc tế. Thế hệ trẻ Việt Nam khi ra nước ngoài học hay nghiên cứu khoa học cũng không thua ai. Điều này minh chứng được tiềm năng của giới trẻ Việt Nam.
Muốn phát huy được tiềm năng này trong nước cần có môi trường và các "huấn luyện viên" tầm cỡ. Từ khi được đầu tư đúng mức và có những huấn luyện viên tầm cỡ (người nước ngoài), bóng đá Việt Nam từng bước đi lên. Muốn được như thế, phát triển khoa học và giáo dục cũng phải làm vậy.
Hiện tại khoa học và giáo dục Việt Nam vẫn còn vướng nhiều cơ chế đang trói chân sự phát triển.
Giống như bóng đá muốn vươn ra đấu trường quốc tế, khoa học và giáo dục Việt Nam cần những "huấn luyện viên", những lãnh đạo có bản lĩnh và tầm cỡ. Singapore thu hút nhà giáo dục hay khoa học nước ngoài làm hiệu trưởng các trường đại học hay viện trưởng các viện nghiên cứu quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế không cho phép Việt Nam làm điều tương tự.
Huấn luyện viên Park Hang-seo không phải là người được đào tạo bài bản về bóng đá. Khi còn học tại ĐH Hanyang, ông ta nghiên cứu các loại thảo mộc và sữa, không liên quan thể thao. Dù vậy, ông vẫn có cơ hội làm huấn luyện viên cho K League Sangju Sangmu Phoenix, Hàn Quốc và giúp đội này đạt được hai giải vô địch năm 2013 và 2015.
Trong khoa học và giáo dục ở Việt Nam, các đòi hỏi về đào tạo chuyên môn cũng như kinh nghiệm liên quan sẽ là rào cản trong việc thu hút nhân tài về một nước đang phát triển. Cạnh tranh trong thị trường nhân lực cấp cao toàn cầu khá khốc liệt. Việt Nam có dám chấp nhận cái giá phải trả cho những đòi hỏi của mình?
Những năm gần đây, báo chí thường nhắc việc Việt Nam đang thiếu nhân lực cấp cao trong nhiều lĩnh vực. Điều này tôi thấy khá rõ trong lĩnh vực phát triển khoa học và giáo dục và hy vọng tương lai sẽ có những "huấn luyện viên" - những khoa học gia, giáo dục người nước ngoài - như Park Hang-seo, giúp đưa khoa học và giáo dục Việt Nam ra đấu trường quốc tế.
GS.TS Trương Nguyện Thành là nhà khoa học thành danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hàng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Năm 1985, ông tốt nghiệp ĐH North Dakota loại giỏi. Ngoài bằng Hóa học, ông còn lấy bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ Thông tin.
Năm 1990, ông có bằng tiến sĩ, giành được giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ, sau đó nghiên cứu sau tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý.
Năm 1992, ĐH Utah mời ông về làm GS giảng dạy môn Hóa lượng tử. Năm 1993, GS Thành đoạt giải một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ. Cuối năm 2016, ông nhận lời mời của Hội đồng quản trị ĐH Hoa Sen về công tác tại trường.
|
GS Trương Nguyện Thành (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.