Hà Nội cần làm gì khi xuất hiện biến chủng Omicron cùng số ca chuyển nặng, tử vong tăng nhanh?

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 30/12/2021 07:34 AM (GMT+7)
Chỉ trong vòng 8 ngày, Hà Nội ghi nhận 45 ca tử vong do Covid-19, bằng gần một nửa so với 7 tháng trước. Cộng với việc xuất hiện biến chủng Omicron, dịch Covid-19 ở Thủ đô đang cho thấy sự phức tạp tăng cao.
Bình luận 0

"Hà Nội cần căn cứ vào số liệu ca thở máy, tử vong thay vì số liệu ca nhiễm hàng ngày"

Những ngày qua, Hà Nội tiếp tục là nơi đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19 (xấp xỉ gần 2.000 ca mỗi ngày). Trong kế hoạch đối phó với biến chủng Omicron được UBND TP Hà Nội ban hành tối 27/12, thành phố đã đề cập đến lo ngại biến chủng mới sẽ thay thế Delta trở thành loại virus chiếm ưu thế chủ yếu, tiếp tục khiến dịch bệnh tại thủ đô phức tạp thời gian tới.

Hà Nội cần làm gì khi xuất hiện biến chủng Omicron cùng số ca chuyển nặng, tử vong tăng nhanh? - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội điều trị cho F0 nặng. Ảnh: Gia Khiêm

Song song với đó, chỉ trong vòng 8 ngày, Hà Nội ghi nhận 45 ca tử vong do Covid-19, bằng gần một nửa so với 7 tháng trước. Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thừa nhận lo ngại của lãnh đạo Hà Nội hoàn toàn có cơ sở. Địa bàn thủ đô có nhiều yếu tố để số ca mắc tăng nhanh. Tuy nhiên, theo ông Nga sự xuất hiện biến chủng Omicron không quá đáng lo ngại nên người dân không nên hoang mang, lo lắng.

Nhìn vào số liệu ca mắc mỗi ngày tại Thủ đô, ông Nga cho rằng Hà Nội vẫn đang ở phạm vi an toàn. Tuy nhiên, trước những chuyển biến gần đây cho thấy thành phố đang đối mặt với các nguy cơ thực sự lớn. Số ca tử vong đang tăng nhanh khi số bệnh nhân nặng và nhập viện lên cả trăm người mỗi ngày.

Hà Nội cần làm gì khi xuất hiện biến chủng Omicron cùng số ca chuyển nặng, tử vong tăng nhanh? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

Để tránh nguy cơ "vỡ trận" như từng xảy ra ở TP.HCM, ông Nga nhấn mạnh Hà Nội phải duy trì tỷ lệ tử vong dưới ngưỡng 1-1,5%. Thủ đô cần xác định rõ mục tiêu chống dịch hiện tại. Thành phố chỉ có thể ưu tiên một đến hai nhiệm vụ, không thể dồn toàn bộ lực để đạt "Zero Covid-19" như trước.

"Theo tôi, các biện pháp Hà Nội cần làm ngay vẫn chủ yếu duy trì thực hiện tốt 5K, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người chưa tiêm hoặc chưa đủ mũi và tiêm phủ mũi 3 cho đối tượng nguy cơ cao. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ điều trị. Tăng cường giáo dục truyền thông, giám sát ca bệnh", ông Nga nêu.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, có thể nhận thấy ngăn chặn lây nhiễm không khả thi lúc này, dấu hiệu nhận biết người mang virus đã không còn như trước. Hầu hết F0 đã tiêm vaccine đều khoẻ mạnh như người không nhiễm bệnh.

Hà Nội cần làm gì khi xuất hiện biến chủng Omicron cùng số ca chuyển nặng, tử vong tăng nhanh? - Ảnh 3.

Theo ông Nga, Hà Nội cần căn cứ vào số liệu ca thở máy, tử vong thay vì số liệu ca nhiễm hàng ngày để xác định các nhiệm vụ phòng chống dịch. Ảnh: Gia Khiêm

"Ngoài ra, Hà Nội cần căn cứ vào số liệu ca thở máy, tử vong thay vì số liệu ca nhiễm hàng ngày để xác định các nhiệm vụ phòng chống dịch. Số liệu ca nhiễm hàng ngày không còn là căn cứ quan trọng để xác định các nhiệm vụ chống dịch trong giai đoạn này. 

Do vậy, thành phố cần chú trọng công tác điều trị, phòng bệnh cho nhóm nguy cơ tử vong cao, như người già, người nhiều bệnh nền, người không đủ sức khoẻ, điều kiện để tiêm vaccine. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phải tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển tầng, phát hiện sớm F0 điều trị tại nhà diễn biến nặng để kịp thời điều trị", ông Nga nói thêm.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, số ca mắc tại Hà Nội tăng là điều đã được dự đoán.

Hà Nội cần làm gì khi xuất hiện biến chủng Omicron cùng số ca chuyển nặng, tử vong tăng nhanh? - Ảnh 4.

Chuyên gia cho hay, Hà Nội cần tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển tầng, phát hiện sớm F0 điều trị tại nhà diễn biến nặng để kịp thời điều trị. Ảnh: Trung Nguyên

"Mặc dù Hà Nội vẫn đang kiểm soát được tình hình (số ca nặng chưa báo động, số ca tử vong chưa cao) nhưng nếu không không kiếm chế, số mắc vẫn leo thang chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng số ca nặng tăng. Điều này gây ra quá tải hệ thống y tế. Ca nặng không tiếp cận được các dịch vụ y tế sẽ dẫn tới tăng ca tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Ông Phu cho rằng, Hà Nội phải đánh giá nguy cơ từng cấp độ dịch theo đơn vị nhỏ như xã/phường, quận/huyện và đưa ra các giải pháp như ưu tiên hoạt động thiết yếu, dừng hoạt động không thiết yếu, tăng cường phủ vaccine. 

Để giảm số ca tử vong Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cần phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị F0 kịp thời.

Hà Nội đang giải trình tự gene 28 mẫu dương tính nghi liên quan Omicron

Báo cáo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 29/12, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 42.888 ca mắc, trong đó có 15.070 ca ngoài cộng đồng. Hiện nay, thành phố có 76 điểm phong tỏa với 3.100 người.

Hà Nội cần làm gì khi xuất hiện biến chủng Omicron cùng số ca chuyển nặng, tử vong tăng nhanh? - Ảnh 5.

Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội chăm sóc, điều trị cho F0 nặng. Ảnh: BVCC

Ngày 28/12, Bộ Y tế thông tin về trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam là người nhập cảnh, bệnh nhân từ Anh quốc về Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày 19/12. Đáng chú ý, thành phố đã lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp dương tính và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen xác định chủng virus (sàng lọc nghi ngờ chủng Omicron). Việc giải trình tự gen vẫn đang trong quá trình thực hiện và đang chờ kết quả.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng thông tin, tính đến hết ngày 28/12, Hà Nội đã tiêm được 11.767.691 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân.

Đến nay thành phố có tổng số 54.045 trường hợp F1 phải cách ly, trong đó đang cách ly tại nhà 22.802 trường hợp F1. Từ 27/4 đến nay, thành phố tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 42.888 bệnh nhân, hiện đang điều trị 20.211 người.

Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong tuần vừa qua, trung bình mỗi ngày, Hà Nội ghi nhận 1.747 ca/ngày. Số mắc tăng nhiều so với tuần trước. Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, có thể vượt ngưỡng 2.000 ca mắc/ngày trong tuần tiếp theo.

Ông Cương khẳng định, công tác phòng, chống và kiểm soát Covid-19 vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống y tế các tuyến đang chịu nhiều áp lực về quản lý, thu dung, điều trị, trong thời gian tiếp theo khi số mắc tiếp tục gia tăng là gánh nặng lên hệ thống…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem