Chăn nuôi sinh học không lo ế thịt
Với quy mô chăn nuôi thường xuyên đạt 400 con lợn thương phẩm, thời gian qua Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Quốc Oai do Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) tổ chức đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 100% thức ăn chăn nuôi sử dụng trong chuỗi này là thức ăn tự phối trộn có bổ sung men sinh học.
Hằng ngày, chuỗi cung cấp cho thị trường khoảng 0,5 tấn thịt lợn nhãn hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai” thông qua các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng bếp ăn tại huyện Quốc Oai và một số quận nội thành với giá bán cao hơn so với thịt lợn nuôi thông thường.
Chế biến thịt lợn tại chuỗi thịt sản xuất và cung cấp thực phẩm A-Z của HTX Hoàng Long. Ảnh: N.H
Trên địa bàn TP.Hà Nội còn có nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ theo hình thức liên kết sản xuất tiêu thụ khép kín, xây dựng thương hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ, trong đó có 4 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hà Nội cũng có nhiều sản phẩm chăn nuôi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, như: Thịt lợn hữu cơ Tiên Linh của HTX Chăn nuôi dịch vụ thủy sản Tiên Linh (huyện Ba Vì); thực phẩm GFP của HTX Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì; thực phẩm Hương Việt của Công ty cổ phần Đầu tư Hương Việt. |
Tương tự, chuỗi thịt sản xuất và cung cấp thực phẩm A-Z do Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) tổ chức khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn ra phức tạp, nhưng mỗi ngày, chuỗi vẫn cung cấp cho thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn, trong đó khoảng 900kg thịt lợn là các sản phẩm đã được giết mổ, đóng gói và các sản phẩm đã qua chế biến với nhãn hiệu “Thực phẩm AZ”.
Đáng chú ý là chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm Organic Green do Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green tổ chức. Đây là mô hình liên kết các hộ chăn nuôi quy mô lớn (được chứng nhận VietGAHP) tham gia ký kết hợp đồng chăn nuôi sử dụng thức ăn sinh học; sản phẩm được giết mổ công nghiệp và cấp đông đúng quy trình. Hiện, sản phẩm đã có mặt tại siêu thị, các cửa hàng tiện ích với nhãn thịt lợn sinh học Organic Green, sản lượng tiêu thụ hằng ngày khoảng 1 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn.
“Sống khoẻ” giữa bão dịch tả
5 năm trước, được sự hỗ trợ của Sở NNPTNT Hà Nội, ông Nguyễn Đình Tường (ở xã Cấn Hữu, Quốc Oai) triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Mặc dù chi phí chăn nuôi cao hơn từ 20-30% so với thông thường nhưng bù lại, mô hình này lại giúp ông đảm bảo an toàn dịch bệnh, chất lượng sản phẩm thịt lợn thơm ngon. Chính vì thế, khi nhiều nơi bị dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề thì lợn nhà ông vẫn “sống khoẻ”.
Ông Tường cho biết, nhận thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn an toàn sinh học ngày càng thuận lợi, năm 2016, ông đã thành lập HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm và đến nay đã thu hút 10 thành viên tham gia. Trong đó, có 7 thành viên chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn an toàn sinh học (quy mô chuồng nuôi từ 130 - 150 con/hộ), 3 thành viên còn lại phụ trách khâu giết mổ, sơ chế, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm đi tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Theo ông Tường, thức ăn của đàn lợn được HTX phối trộn, chủ yếu bằng cám tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp chất lượng thịt thơm ngon. Ngay cả thời điểm giá lợn bị giảm sâu do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi thì thịt lợn an toàn sinh học của HTX vẫn bán được giá tốt. Hiện, trung bình mỗi ngày, HTX Đồng Tâm xuất bán ra 4 - 5 tạ thịt lợn an toàn sinh học. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX như xúc xích, giò, chả… cũng đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng nên được thị trường đón nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.