Quyết tâm thái quá?
Ngày 17.1.2019, tại thôn Bài Tâm, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội, PV Dân Việt đã chứng kiến việc thi hành quyết định (Quyết định số 153 ngày 18.7.2017) cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Việc cưỡng chế được thực hiện theo Quyết định 153 ngày 18.7.2017 do ông Hoàng Văn Hiền - Chủ tịch xã Dương Quang kỷ. Đối tượng bị phá dỡ là một số gian nhà cấp 4, khung tôn, mái tôn đang hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, internet, mua bán quần áo…
Điều đáng nói, quyết định hành chính số 153 nói trên hiện đang được anh Nguyễn Đức Thụy, sinh năm 1984 (trú tại thôn Bài Tâm, xã Dương Quang là chủ nhân của các công trình xây dựng nói trên) kiện ra tòa.
Ngày 14.11.2018, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đã tiến hành xét xử sơ thẩm. Không đồng tình với phán quyết của Tòa án, anh Nguyễn Đức Thụy đã kháng cáo đối với bản án sơ thẩm số 03/2018 của TAND huyện Gia Lâm. Ngày 30.11.2018, anh Thụy đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Như vậy, quyết định số 153 ngày 18.7.2017 của UBND xã Dương Quang đang được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Anh Thụy và các công trình xây dựng trươc khi bị cưỡng chế
Để thực hiện quyền của đương sự theo Điều 68 Luật Tố tụng hành chính 2015, anh Nguyễn Đức Thụy đã có văn bản yêu cầu tòa án nhân dân huyện Gia Lâm áp dụng biện pháp khẩn cấp “Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính” để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, tại thời điểm anh Thụy có đơn gửi Tòa án (tháng 10.2018), UBND xã Dương Quang báo cáo là chưa có kế hoạch tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình xây dựng tại đây. Dó đó, yêu cầu kể trên không được chấp nhận.
Thế nhưng, ngay sau phiên tòa sơ thẩm, trong lúc chờ TAND huyện Gia Lâm chuyển hồ sơ lên TAND TP Hà Nội theo trình tự phúc thẩm, anh Thụy chưa kịp có đơn đề nghị TAND TP Hà Nội áp dụng biện pháp khẩn cấp “Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính”, thì UBND xã Dương Quang đã lập kế hoạch và tiến hành cưỡng chế tháo dỡ công trình.
Mặc dù, trước đó, tại buổi làm việc với UBND xã, anh Thụy đã có văn bản cam kết ngay sau khi bản án phúc thẩm (bản án có hiệu lực theo quy định của pháp luật), nếu Tòa án tuyên bác đơn khởi kiện thì gia đình anh sẽ tự nguyện thực hiện quyết định của UBND xã, tự tháo dỡ công trình, tự di chuyển tài sản… không để UBND xã phải tổ chức cưỡng chế gây tốn kém ngân sách, tiền của của nhà nước và công dân.
Thậm chí, theo ghi nhận của PV Dân Việt, sáng 17.1.2019, ngay khi đoàn công tác thông báo việc thi hành lệnh cưỡng chế, anh Nguyễn Đức Thụy đã đề nghị đoàn dừng buổi cưỡng chế, để gia đình anh tự di chuyển tài sản, tháo dỡ công trình ngay sau khi có quyết định có hiệu lực của bản án phúc thẩm.
Thế nhưng, ông Hoàng Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Dương Quang - Trưởng đoàn cưỡng chế vẫn ra lệnh thực hiện. Tài sản của nhiều tập thể, cá nhân… trị giá nhiều tỷ đồng đã được đoàn vội vã chở đi mà không cần biết là của ai, không hề yêu cầu các chủ tài sản ký biên bản bàn giao. Thậm chí cả sách vở học sinh của các bé là con của anh Nguyễn Đức Thụy cũng bị đoàn mang đi mất, khiến ngày 18.1 các cháu phải nghỉ học vì không có sách vở đến trường.
Chủ tịch xã không chờ được?!
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Đức Thụy bức xúc: “Tôi khẳng định đây là việc ông Hiền Chủ tịch xã đã dùng việc công để trả thù cá nhân tôi. Bởi tôi đã tố cáo ông ta bảo kê cho việc xây dựng hơn một trăm công trình xây dựng trái phép nhà ở trên đất nông nghiệp. Đơn của tôi đã được cơ quan chức năng thụ lý và đang trong thời gian xem xét”.
Quang cảnh cưỡng chế
Trả lời câu hỏi của PV Dân Việt: vì sao UBND xã không chờ phán quyết cuối cùng của bản án phúc thẩm, thời gian cũng chỉ tính bằng tháng, để người dân tự nguyện thi hành như cam kết, hoặc lúc đó người dân không thực hiện UBND xã sẽ tổ chức cưỡng chế?
Ông Hoàng Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Dương Quang nói: “Chúng tôi chờ quá lâu rồi, không chờ được nữa.”.
Khi PV Dân Việt nêu câu hỏi: bản án sơ thẩm hiện không có hiệu lực do bị kháng cáo, vì thế, nếu Tòa phúc thẩm tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên hủy quyết định cưỡng chế số 153 thì ông thì tính sao, khi đã tổ chức cưỡng chế?
Ông Hiền quả quyết: “Tôi sẽ chịu trách nhiệm, kể cả sẽ bồi thường thiệt hại nếu tôi làm sai”.
Theo tài liệu PV có được, các công trình xây dựng vừa bị cưỡng chế nói trên được anh Nguyễn Đức Thụy xây dựng từ năm 2005, đã sử dụng ổn định từ đó cho đến ngày 7.7.2017 mới bị Đội Thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm lập biên bản vi phạm.
Những công trình này được xây dựng trên diện tích 850m2 đất công ích do anh Thụy nhận khoán thầu bãi kinh doanh vật liệu xây dựng với thôn Bài Tâm từ năm 2005 theo chỉ đạo của UBND xã Dương Quang tại văn bản số 191/QĐ- UB ngày 10.11.2003.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.