Hà Nội mở thêm 14 làn đường riêng cho xe buýt: Chuyên gia giao thông nói gì?

Thành An Thứ năm, ngày 02/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
Liên quan đến việc Hà Nội dự kiến mở thêm 14 làn đường riêng cho xe buýt, trao đổi với PV Dân Việt một số chuyên gia giao thông đô thị đã đưa ra nhận định riêng.
Bình luận 0

Mới đây, tại văn bản trả lời cử tri trước kỳ họp thứ ba HĐND TP.Hà Nội (dự kiến diễn ra đầu tháng 12/2021), UBND TP.Hà Nội cho biết, từ những ưu điểm của tuyến BRT (Kim Mã - Yên Nghĩa), Hà Nội sẽ đánh giá, nghiên cứu và đề xuất tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt tại tuyến đường có nhiều làn xe; số lượng tuyến và lưu lượng xe buýt lớn; làn đường ưu tiên phù hợp công tác tổ chức giao thông. Đặc biệt, giai đoạn từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt

Mở thêm 14 làn đường riêng cho xe buýt chưa biết sẽ đi lại ra sao?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng, việc Hà Nội nâng cấp mạng lưới giao thông đô thị của thành phố là đúng, vì hiện nay người dân Hà Nội chưa mặn mà với xe buýt nói riêng và phương tiện giao thông công cộng nói chung, tỉ lệ người dân tham gia chưa đầy 10% nên chưa đáp ứng được việc nâng cao sự hiệu quả của giao thông công cộng.

Hà Nội mở thêm 14 làn đường riêng cho xe buýt: Chuyên gia giao thông nói gì? - Ảnh 1.

Theo lộ trình của UBND TP.Hà Nội, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức 14 làn riêngcho xe buýt. Trong ảnh: Tình trạng hỗn loạn giao thông giữa xe buýt và phương tiện cá nhân thường xuyên xảy ra ở Hà Nội. Ảnh: Thành An.

Lý giải về việc người dân Hà Nội vẫn còn "thờ ơ" với phương tiện giao thông công cộng và chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để đi lại ở Thủ đô, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định một phần do mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến Cát Linh – Hà Đông và chưa kết nối với các phương tiện giao thông công cộng khác một cách đồng bộ.

"Có nghĩa là phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nên buộc người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô, xe đạp…) để đi lại nên nếu Hà Nội làm thêm 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt thì không biết phương tiện cá nhân sẽ đi lại bằng cách nào", ông nói và đưa ra giải pháp "Hà Nội nên có lộ trình, kế hoạch cụ thể và nâng cao chất lượng xe buýt, đặc biệt là đảm bảo hạ tầng giao thông trước tiên.

"Đường phải rộng, thoáng có đường dành riêng cho từng đối tượng phương tiện, những ngã tư phải có xa lộ xanh để các phương tiện đi lại liên thông chứ không ngắt quãng, cùng đó hiện người dân ở Hà Nội cũng chưa được mặn mà với xe buýt vì chất lượng phương tiện và phục vụ chưa tốt, thời gian không đảm bảo… Nếu triển khai ồ ạt cùng lúc sẽ khiến ùn tắc tăng thêm", TS. Nguyễn Xuân Thủy nói và nhấn mạnh, trên thế giới rất ít quốc gia dành làn riêng cho xe buýt.

Hà Nội mở thêm 14 làn đường riêng cho xe buýt: Chuyên gia giao thông nói gì? - Ảnh 2.

Hiện người dân sử dụng xe buýt trên địa bàn Hà Nội chủ yếu là sinh viên. Ảnh: Thành An (chụp năm 2018 tại Bến xe Giáp Bát).

"Khi xe buýt chưa được đánh giá đúng hiệu quả đối với người dân. Đồng thời chưa được nâng cao chất lượng, chưa đảm bảo hoạt động đúng quy định thì rất dễ giống như BRT hiện nay. Đó là vừa lãng phí phương tiện tham gia giao thông lại gây thêm ùn tắc, gây thêm tai nạn và gây khó khăn cho phương tiện giao thông cá nhân… 

Cho nên các phương pháp đưa ra phải đồng bộ, có lộ trình, nghiên cứu kỹ và phải thực nghiệm trước, đặc biệt là phải xây dựng thói quen đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng của người dân thì chúng ta sẽ tiến hành những tuyến đường dành cho xe buýt", TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

Hà Nội mở thêm 14 làn đường riêng cho xe buýt: Chuyên gia giao thông nói gì? - Ảnh 3.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, xe buýt nhanh BRT cũng nhiều lúc phải "bỏ cuộc" trên chính làn đường ưu tiên của mình, chịu chung số phận như các phương tiện khác mỗi khi tắc đường. Ảnh: Trọng Hiếu (chụp tháng 3/2021).

Bài học nghìn tỷ đồng từ dự án BRT cho "dự án" 14 làn đường riêng cho xe buýt

Đưa ra nhận định về vấn đề này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, hiện dự án BRT đang hoạt động không hiệu quả, nếu làm thêm 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt thì không hiểu sẽ ra sao.

Ông phân tích, vì đầu tư cho tuyến BRT đã hàng nghìn tỷ đồng, nếu đầu tư thêm 14 tuyến dành riêng cho xe buýt nữa thì sẽ tốn kém rất nhiều. Do đó, Hà Nội cần tập trung tiền để xây dựng đường sắt đô thị (đường sắt trên cao) vì hiện đường phố của Hà Nội nhỏ, ngắn, gấp khúc nên rất khó triển khai đường dành riêng.

Theo ông, Hà Nội không thể giải quyết bài toán về giao thông và không thể có hiệu quả nếu cứ tiếp tục đầu tư xây dựng đường dành riêng cho xe buýt sẽ sa lầy và ai sẽ chịu trách nhiệm.

TS. Nguyễn Xuân Thủy lưu ý, Hà Nội phải lấy bài học của xe buýt nhanh BRT làm kinh nghiệm, khi TP đã đổ hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng tuyến đường này nhưng hiệu quả không như mong đợi. Theo thống kê trung bình một tháng tuyến này chỉ đạt khoảng 10.000 lượt người, không hiệu quả.

"Hiện do tuyến BRT không hiệu quả nên TP.HCM đã cho dừng, do đó trước khi xây dựng đề án cần tổng kết xem thói quen của người dân và chất lượng phải đảm bảo. Đặc biệt là cần phải nghiên cứu cụ thể tại sao người dân vẫn chưa mặn mà với xe buýt khi người đi chưa đến 10%", TS.Nguyễn Xuân Thủy nhắc lại.

Lộ trình 14 làn đường riêng cho xe buýt ở Hà Nội

Theo văn bản trả lời cử tri của UBND TP.Hà Nội, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt, trong đó:

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, Hà Nội nghiên cứu tổ chức 9 làn đường ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm; Hoàng Quốc Việt; Trần Duy Hưng; Xã Đàn; Võ Chí Công và tuyến đường Võ Văn Kiệt.

Giai đoạn 2026 đến 2030, Hà Nội sẽ có thêm 5 tuyến đường được nghiên cứu, tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt, gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu; Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín; Trần Duy Hưng - Hòa Lạc; Mỹ Đình - sân bay Nội Bài; Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem