Ngô Khiêm
Thứ hai, ngày 23/08/2021 08:40 AM (GMT+7)
Hà Nội đang vào thu, một "Hà Nội, niềm tin và hy vọng" sẽ là "điểm tựa tinh thần" để mỗi chúng ta có quyền tin tưởng, chia sẻ niềm tin, động lực và quyết tâm cùng TP.HCM và các tỉnh, thành khác cùng vượt qua đại dịch Covid-19.
Mỗi độ thu về, lòng người Thủ đô nao nức, bồi hồi cảm thức về sự chuyển mùa, về mùi hương hoa sữa nồng nàn khắp phố phường và cả màu nắng vàng rực rỡ trên Quảng trường Ba Đình lịch sử năm ấy.
Khác với mọi năm, năm nay chúng ta đã và đang đón thu về với không khí trầm lặng, có phần hoài niệm bởi thành phố đang trong đợt giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Một mùa thu đặc biệt
Chưa có một thống kê đầy đủ nhưng có thể khẳng định Hà Nội vào thu là nguồn cảm hứng bất tận, dồi dào nhất cho các nhạc sĩ đưa cảm xúc của mình "nhảy múa" vào trong khuông nhạc.
Những nhạc phẩm đỉnh cao về mùa Thu Hà Nội, như: "Nhớ mùa thu Hà Nội" (nhạc Trịnh Công Sơn), "Có phải em là mùa thu Hà Nội" (nhạc Trần Quang Lộc, thơ Tô Như Châu), "Hoa sữa" (nhạc Hồng Đăng), "Em ơi, Hà Nội phố" (nhạc Phú Quang, thơ Phan Vũ), "Hà Nội đêm trở gió" (nhạc Trọng Đài, thơ Trọng Đài - Chu Lai)… chính là những minh chứng hùng hồn nhất.
Không phân biệt có là người con của mảnh đất này hay không, có làm việc, sinh sống ở nơi này hay không thì mỗi khi lời ca và giai điệu vang lên như một "sợi dây vô hình" kết nối hàng triệu con tim chung nhịp đập với thành phố ngàn năm tuổi bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa.
Là người có hơn một thập niên gắn với thành phố này, phải nói rằng những lời ca và giai điệu quen thuộc ấy đã giúp tôi thêm yêu hơn, thêm gắn bó sâu đậm hơn với nơi đất khách này và đôi lúc tôi cứ nghĩ nơi đây cũng chính là quê hương thứ 2 của mình vậy.
Dù không muốn nhắc đến nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận, người dân Thủ đô đang trải qua một mùa thu đặc biệt khi mà lòng người ẩn đi sự lãng mạn, mộng mơ mà thay vào đó là những nỗi niềm về dịch bệnh bao trùm lên tất cả.
Nhiều người nghĩ rằng, khoảng thời gian này mình phải áo quần xúng xính hòa cùng dòng người trên những phố phường tấp nập, hòa vào không khí mùa thu đang ngập tràn khắp nơi nơi, thế nhưng tất thảy những dự liệu đó chưa thể thực hiện được bởi lúc này tinh thần "ai ở đâu thì ở yên đấy" và "ở nhà là yêu nước" là điều cần thiết nhất với mỗi người.
Trong gần 2 năm qua, thành phố đã và đang phải "gồng mình" chống lại "kẻ thù vô hình" mang tên Covid-19 mà nhất là ở đợt thứ 4 này, dịch bệnh còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với biến chủng Delta lây lan nhanh và số ca mắc mới tăng cao.
Những ngôi làng và những con phố vắng bóng người; nhiều trường học, doanh trại và một số công trình khác được trưng dụng làm nơi ở cho những người cách ly tập trung; nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí phải đóng cửa.
Và lo lắng hơn cả là mỗi ngày cả nước đón nhận hàng nghìn ca mắc mới, riêng Thủ đô Hà Nội của chúng ta cũng có hàng chục ca mắc mới. Ai mà không xót xa, ai mà không đớn đau với những hình ảnh đó, với những con số "biết nói" ấy.
Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi đón nhận những phiếu đi chợ, giấy đi đường như một sự… trở về với quá khứ ở thời bao cấp mà chúng ta đã có gần 40 năm nỗ lực xóa bỏ. Nhưng sống trong một mùa thu đặc biệt này, chúng ta cũng đã thấy ấm lòng hơn với những "Siêu thị mini 0 đồng", "ATM gạo"… "mọc" lên trên nhiều tuyến phố.
Đi làm trong ngày giãn cách qua các tuyến phố của Thủ đô, quan sát thấy những công viên giăng dây, vỉa hè giăng dây, hàng, quán giăng dây, tôi lại liên tưởng về chiến thuật "vườn không nhà trống" nhà Trần đã áp dụng để đánh giặc Nguyên – Mông mà đã có một "Hào khí Đông A" vang dội trời Nam một thuở.
Có thể hiểu Hà Nội như đang dồn lại, đang nén lại như một chiếc lò xo khổng lồ mà chỉ đợi có cơ hội, có thời cơ chín muồi là sẽ bật lên, sẽ tung ra với sức mạnh vô song, với tinh thần và quyết tâm lớn gấp bội.
Niềm tin về ngày chiến thắng
Nhớ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 lại nghĩ đến Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài chung sức đồng lòng, chống lại, chiến thắng bằng được đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/7/2021 vừa qua, trong đó người đứng đầu Đảng ta đã viết: "Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng".
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng ấy, các lực lượng "áo xanh", "áo trắng" cùng nhiều lực lượng khác đã và đang ngày đêm miệt mài trên tuyến đầu chống dịch với tinh thần "Chống dịch như chống giặc".
Lịch sử dân tộc đã trải qua biết bao cuộc chiến với các thế lực hùng mạnh bên ngoài, có những lúc chúng ta phải chịu quá nhiều hy sinh, mất mát tưởng chừng không thể vực dậy thì đúng lúc đó nguồn năng lượng, sức mạnh vô cùng to lớn trỗi dậy mà như Bác Hồ kính yêu đã từng đúc kết: "… mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Rõ ràng chúng ta đang bước vào một cuộc chiến, một cuộc chiến mà kẻ thù đang lẩn khuất, đang ẩn hiện trong bóng tối với chiêu thức và mức độ lây lan hết sức nguy hiểm và để thích ứng với chúng, chúng ta đã phải thay đổi các chiến thuật từ phòng ngự đến tấn công, từ "5K" đến "5K+Vắc-xin+công nghệ" nhưng dẫu sao thì cũng là tinh thần, là ý chí đó – một tinh thần và ý chí mang bản sắc của con người Việt Nam.
Muôn người đều có niềm tin như một là với tinh thần và tâm thế vượt gian khó của một dân tộc anh hùng với bề dày mấy ngàn năm lịch sử sẽ là "chìa khóa vạn năng" để chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Một Hà Nội đang vào thu, một mùi "Hoa sữa vẫn nồng nàn đầu phố đêm đêm", một "Hà Nội linh thiêng, hào hoa" (Lê Mây), một "Hà Nội, niềm tin và hy vọng" (Phan Nhân) sẽ là "điểm tựa tinh thần" để mỗi chúng ta có quyền tin tưởng rằng, dòng máu đỏ trong "trái tim của cả nước" sẽ chảy đều đi nuôi khắp các tể bào của cơ thể. Từ đó sẽ chia sẻ niềm tin, động lực và quyết tâm cùng TP.HCM và các tỉnh, thành khác vượt qua "kẻ thù không súng ống, không đạn dược" này.
"Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến ước mơ thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin"- câu nói của nữ nhà văn người Mỹ Louisa May Alcott, tác giả tiểu thuyết "Những cô gái nhỏ" như nhắc nhớ mỗi chúng ta về niềm tin bất diệt, niềm tin chiến thắng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.