Hà Nội: Những "thân cò" lao đao vì Covid-19

Nguyễn Hạnh Thứ năm, ngày 17/06/2021 05:40 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19, khách mua giảm hẳn, gánh nặng cơm áo càng đè nặng hơn lên vai những "thân cò" bán hàng rong ở Hà Nội.
Bình luận 0

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, mặc dù TP.Hà Nội không thực hiện dãn cách xã hội nhưng do có "lệnh" hạn chế người dân ra đường, học sinh, sinh viên học online, các nhà hàng, quán ăn đóng cửa dẫn đến thu nhập, đời sống của những người bán hàng rong bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hà Nội: Những "thân cò" lao đao vì Covid-19 - Ảnh 1.

Những xe hàng rong bày bán phong phú trái cây, hoa tươi vắng khách trên đường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Hàng hóa ế ẩm, thu nhập giảm sút

Cô Nguyễn Thị Dương, 57 tuổi, quê gốc ở Quảng Xương (Thanh Hóa), nhiều năm trước do cuộc sống ở quê khó khăn, vất vả, cô quyết định lên Hà Nội lao động tự do để có tiền trang trải cho cuộc sống và nuôi con học đại học.

Thuê trọ tại con ngõ 69 Nguyễn Phúc Lai (quận Đống Đa), hàng ngày cô đẩy xe hàng đi bán từ 7 giờ sáng cho đến tối muộn, rong ruổi khắp các con đường không kể thời tiết nắng mưa, thế nhưng hàng hóa bán được cũng không nhiều, thậm chí có những ngày không bán được gì. 

Thời tiết Hà Nội thì mưa nắng bất chợt, tuổi đã cao, cộng thêm việc phải đi lại nhiều khiến cho chân cô đau nhức, sức khỏe ngày càng đáng lo.

Chia sẻ với PV Dân Việt, cô Dương cho biết, với các mặt hàng chủ yếu là phụ kiện thời trang với mức thu nhập ổn định, thế nhưng, khi dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội bùng phát trở lại khiến hàng hóa của cô ế ẩm, thu nhập cũng vì thế mà giảm theo.

"Giờ mọi người hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc, đường phố đâu đâu cũng vắng nên tôi không di chuyển nhiều như trước, các điểm tập trung đông người trước đây như công sở, trường học cũng đóng cửa nên có rất ít khách ghé mua... Thôi thì phải cố gắng để có đồng ra đồng vào", cô Dương rầu rĩ chia sẻ.

Hà Nội: Những "thân cò" lao đao vì Covid-19 - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Dương, 57 tuổi, quê gốc ở Quảng Xương (Thanh Hóa) bên cạnh xe hàng với các loại phụ kiện thời trang ở đường Nguyễn Phúc Lai (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Đồng cảnh ngộ, chị Hoa, 45 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) bán trái cây trước cổng trường Cao đẳng Y tế Hà Nội tâm sự, khách của chị hầu hết là học sinh, sinh viên nhưng do dịch Covid-19 nên không phải đến trường, lớp nên chị "chẳng còn biết bán cho ai".

"Trước đây chỉ cần bán vào giờ cao điểm cũng có thể hết hàng nhưng giờ có khi bán từ ngày này sang ngày khác cũng chưa được một nửa, trong khi trái cây thì dễ bị hỏng, nhất là vào thời tiết nắng nóng như thế này nữa, chỉ mong tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát để mọi thứ hoạt động trở lại", chị Hoa chia sẻ .

Chú Nguyễn Văn Hoàng, bán đồ ăn nhanh tại ngã tư Hoàng Cầu với các loại bánh mì, xôi, sữa đậu nành… cũng trong hoàn cảnh tương tự. 

Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, từ khi dịch bùng phát, chú làm thêm biển thông báo chỉ bán mang về để mọi người có thể ghé mua, song sức bán chỉ được một nửa so với trước đây.

"Không được bán tại chỗ nên vắng lắm, lâu lâu mới có một khách, có hôm tôi phải bán đến 5 giờ sáng mới hết hàng, vất vả, khó khăn lắm nhưng cũng phải cố bám trụ", chú Hoàng nói và than thở: "Giờ đa phần người ta đặt đồ ăn qua mạng là nhiều, vì dịch nên các chương trình khuyến mãi cũng nhiều nên họ lựa chọn đặt app, mà những cái đấy thì mình làm sao theo được".

Lay lắt kiềm từng miếng cơm manh áo

Con phố Mai Anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội), trước đây vốn là nơi buôn bán nhộn nhịp của những lao động tự do với các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên do dịch bệnh ngày càng phức tạp, cộng thêm những quy định nghiêm ngặt về tập trung, buôn bán hàng rong khiến nơi đây trở nên vắng vẻ. 

Chị Đỗ Thị Nhàn, 45 tuổi, quê ở Như Quỳnh (Hưng Yên) là một trong số ít những lao động tự do còn bám trụ tại đây. Hàng ngày chị lấy hàng tại chợ đầu mối ở quê sau đó đi  xe máy lên Hà Nội và đứng bán tại đầu ngõ Mai Anh Tuấn, hàng hóa chủ yếu là hoa củ quả theo mùa.

Hà Nội: Những "thân cò" lao đao vì Covid-19 - Ảnh 3.

Xe hàng chở hoa quả của chị Trang trước cổng Cao đẳng Y tế Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Bình thường hàng bán rất nhanh, khách hàng thường là những người dân đi tập thể dục tại hồ Hoàng Cầu, nhưng từ khi dịch bệnh quay trở lại, chị chỉ bán được một nửa, ngồi từ sáng đến chiều cũng chỉ kiếm được hơn trăm nghìn.

"Nhà có hơn một sào ruộng, cấy hái xong tôi lại tranh thủ lên đây bán hàng, biết là dịch bệnh phức tạp nhưng nó lại là nguồn thu nhập chính của cả gia đình nên phải cố gắng. Buôn bán ở quê thì không được mấy bởi hàng rẻ lắm, rau quả thì toàn có sẵn nên ít ai mua, mà ở đây thì không có chỗ ngồi ổn định, nhiều lúc đang bán hàng công an đến dẹp cũng đành chịu", cô Nhàn tâm sự.

Cách đó không xa là chiếc xe đạp chở trái cây của chị Nguyễn Thu Trang, 40 tuổi, với chiếc thùng xốp chở mận, củ đậu, dứa, chị Trang chia sẻ: "Xe hàng này là thu nhập chủ yếu của gia đình tôi, mọi chi tiêu đều đổ dồn vào nó, nhưng dịch bệnh bùng phát nên bán được rất ít, có khi đứng từ 5 giờ sáng đến tối mới được mấy cân hàng. Ế lắm! Nhưng đành túc tắc bán kiếm đồng rau đồng cỏ".

Còn chị Nguyễn Thị Hòa thuê trọ tại ngõ Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội), sống cùng con gái trong căn phòng rộng hơn 10 mét vuông. 

Hàng tháng phải chi tiêu đủ mọi thứ, từ tiên ăn tiền nhà, tiền điện nước, tiền học của con và hàng tá các loại phí sinh hoạt khác nên tiền kiếm được không dư dả được bao nhiêu. Trong khi đó dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể về quê nên chị cùng con gái ở lại cố gắng bám trụ và mở hàng xôi bán ở cuối chợ Nguyễn Phúc Lai kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

"Hôm nào tôi cũng dậy từ hai ba giờ sáng để chuẩn bị, tôi bán cả xôi xéo, xôi lạc, xôi đậu đen nên phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu, thế nhưng khi bán thì chẳng được mấy, dịch thế này bà con ít ra đường, toàn ăn sáng ở nhà, học sinh cũng nghỉ hết nên chẳng còn mấy ai ăn nữa, nản lắm nhưng phải cố gắng để có tiền để trang trải chi tiêu", chị Hòa tâm sự.

Với những lời tâm sự, chia sẻ của cô Nhàn, cô Dương, chú Hoàng, hay chị Hòa... có lẽ đây cũng chính là một phần nỗi lòng của hầu hết những người lao động nghèo bởi nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống của gia đình phụ thuộc phần lớn vào những gánh hàng buôn bán này.

Và, ngoài kia, còn biết bao nhiêu mảnh đời, bao nhiêu những gánh hàng rong đang lao đao vì dịch bệnh Covid-19, dẫu biết rằng đó là tình trạng chung nhưng những người mưu sinh, buôn bán nhỏ lẻ vẫn luôn là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. 

Chỉ mong sao dịch bệnh được kiểm soát sớm, mọi thứ sớm trở lại để những hoạt động mua bán được diễn ra bình thường để gánh nặng cơm áo bớt đè nặng hơn lên vai những người bán hàng rong – những người lao động nghèo khổ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem