Hải Phòng: Bất chấp bị đình chỉ, xưởng giày ngang nhiên hoạt động

Nhóm PV Thứ bảy, ngày 21/04/2018 11:18 AM (GMT+7)
Dù quyết định số 124/QĐTĐC-CSPCCC vào cuối tháng 3.2018 do Đại tá Phạm Viết Dũng, PGĐ Sở Cảnh sát PCCC TP.Hải Phòng về việc tạm đình chỉ hoạt động của xưởng may mũi giầy Phong Ích tại thôn Tân Lập, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo) để hoàn thiện các thủ tục pháp lý đã được ban hành nhưng xưởng may giày này vẫn hoạt động bình thường.
Bình luận 0

Quyết định đình chỉ bị ngó lơ

Trước đó, Báo Dân Việt đã có bài viết phản ánh về việc xưởng giày nêu trên hoạt động với diện tích mặt bằng 1.200 m2. Mặc dù chưa hoàn tất thủ tục pháp lý theo quy định nhưng xưởng giày này vẫn đi vào hoạt động với số lượng công nhân lớn.

Khi phát hiện xưởng giày nêu trên chưa được thẩm duyệt thiết kế, chưa được nghiệm thu công trình PCCC theo quy định, chưa xây dựng phương án chữa cháy cơ sở, chưa thành lập Đội PCCC cơ sở, Phòng Cảnh sát PCCC số 10 đã có biên bản lập ngày 26.3.2018 yêu cầu chủ cơ sở là bà Lê Thúy Hằng - Giám đốc xưởng giày nêu trên trình hồ sơ thiết kế công trình với cơ quan Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng để tiến hành thẩm duyệt và chỉ được hoạt động khi đã hoàn thiện mọi thủ tục.

Cũng ngay sau đó, ngày 29.3.2018, Đại tá Phạm Viết Dũng, PGĐ Sở Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng đã ký Quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với xưởng giày Phong Ích trong thời gian 1 tháng kể từ ngày 29.3.2018 - 28.4.2018.

Với nội dung Quyết định nêu trên là như vậy nhưng trên thực tế, chủ cơ sở không chấp hành, không cho dừng sản xuất và công nhân vẫn tiếp tục làm việc tại xưởng Phong Ích trong suốt thời gian qua.

img

Sau quyết định đình chỉ ngày 29.3.2018, xưởng giày Phong Ích vẫn hoạt động

Tiếp đến, ngày 2.4.2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Vĩnh Bảo do ông Nguyễn Đình Duy - Trưởng phòng Lao động & Xã hội huyện Kiến Thụy làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện doanh nghiệp.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 50 lao động, trong đó có 2 người nước ngoài chưa được cấp phép lao động. Doanh nghiệp cũng chưa xây dựng và đăng ký với Nội quy lao động với Sở Lao động TB & XH, chưa tham gia BHYT, BHXH, BHTN cho tất cả công nhân, chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bảo vệ môi trường.

Theo nội dung bản kết luận buổi kiểm tra, ông Nguyễn Đình Duy yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc quyết định tạm đình chỉ của Cảnh sát PCCC. Đồng thời trong thời gian tạm đình chỉ, doanh nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục về pháp luật lao động như: Phải ký kết lại hợp đồng lao động với người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động như tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN; Xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải chấp hành các yêu cầu liên quan đến việc bảo vệ môi trường như: Đăng ký kế hoạch BVMT với cơ quan có thẩm quyền, ký hợp đồng thu gom xử lý rác thải công nghiệp và nguy hại với đơn vị đủ chức năng, thực hiện giám sát môi trường định kỳ 6 tháng/lần…

Còn về phía lao động người Trung Quốc đang ở và làm việc tại xưởng giày nhưng chưa đăng ký tạm trú hay lưu trú, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu chủ cơ sở phải báo cáo bằng văn bản với Đội an ninh Công an huyện Vĩnh Bảo, ký hợp đồng đảm bảo an ninh trật tự với công an xã Cao Minh.

Sợ mất doanh thu?

Để tìm hiểu việc chấp hành các quy định pháp luật của đơn vị, PV Báo Dân Việt có cuộc trao đổi với bà Lê Thúy Hằng - Giám đốc xưởng giày nêu trên làm rõ vấn đề.

Qua trao đổi, bà Hằng thừa nhận xưởng giày Phong Ích vẫn tiếp tục sản xuất ngay cả khi có Quyết định đình chỉ của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Để có được đơn hàng ổn định cho công nhân sản xuất, đơn vị phải ký trước khi đi vào hoạt động vài tháng. Vì vậy, việc dừng hoạt động sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ của những hợp đồng kinh tế mà doanh nghiệp đã ký với đối tác và đồng nghĩa với việc doanh thu của đơn vị cũng ảnh hưởng lớn.

Bên cạnh những bất cập nêu trên, nhiều ngày qua, hàng chục công nhân từng làm việc tại xưởng may mũ giày Phong Ích đã tụ tập trước xưởng giày nêu trên để đòi nợ lương.

Công nhân chia sẻ rằng khi xin việc họ chỉ nộp đơn và được nhận vào làm không được ký HĐ lao động. Tiền lương còn lại mỗi người còn chừng hơn 1 triệu đồng. Số tiền không phải quá lớn nhưng đó cũng là tiền chính đáng bằng sức lao động họ bỏ ra mong chủ cơ sở sớm được thanh toán để họ ổn định công việc nơi làm mới.

Trước sự việc nêu trên, bà Hằng khẳng định: "Những công nhân trên đã tự ý nghỉ việc không có lý do. Họ không nộp đơn xin thôi việc theo hợp đồng đã ký nên doanh nghiệp sẽ không thanh toán khoản tiền trên trừ trường hợp họ quay lại làm việc tại xưởng giầy Phong Ích.

Về các yếu tố Đoàn kiểm tra yêu cầu đơn vị phải hoàn thiện theo quy định pháp luật đã nêu ở trên, cơ sở sẽ cố gắng hoàn thiện sớm nhất có thể trong quá trình hoạt động".

Vậy là dù bị phát hiện có nhiều sai phạm nhưng xưởng sản xuất giày này vẫn không bị xử phạt hành chính và vẫn thoải mái hoạt động bất chấp lệnh đình chỉ của cơ quan chức năng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem