Hải Phòng: Phân hạng hàng trăm sản phẩm OCOP, đặc sản ngon, giai đoạn 2018–2023

Thu Thủy Thứ năm, ngày 14/12/2023 14:34 PM (GMT+7)
Với mong muốn phát triển các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai rộng khắp tại 217 xã, phường của thành phố Hải Phòng, nhằm khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tôn vinh các sản phẩm tiêu biểu, chủ lực tại địa phương.
Bình luận 0

"Tụ của ngon vật lạ" trên lĩnh vực nông nghiệp

Một trong những sản phẩm đầu tiên của thành phố Hải Phòng tham gia Chương trình OCOP là sản phẩm "Gạo ruộng rươi" đã được Hội đồng thành phố đánh giá phân hạng sản phẩm, cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019.

Sản phẩm gạo ruộng rươi là thứ gạo được trồng trên đất phù sa màu mỡ ở các đầm rươi trong các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào (huyện Kiến Thụy); các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng); và huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương).

Hải Phòng: Phân hạng hàng trăm sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2023 - Ảnh 1.

Sản phẳm gạo ruộng rươi được UBND thành phố Hải Phòng đánh giá đạt sản phẩm OCOP 3 sao, năm 2019. Ảnh: Thu Thủy

Cây lúa trồng trong đầm rươi từ khi cấy đến khi thu hoạch không bón phân hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế sản lượng thu về không được cao nhưng sản phẩm gạo hoàn toàn sạch, an toàn, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, được nhiều người yêu chuộng.

Các giống lúa có giá trị cao như: Thơm RVT, gạo tím, huyết rồng chứa nhiều Vitamin A, B1, B6, B12, Omega3 -6 -9… là sản phẩm an lành, phù hợp và tốt hơn với bệnh nhân tiểu đường, người ăn chay, trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Hải Phòng: Phân hạng hàng trăm sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2023 - Ảnh 2.

Nhiều giống lúa có giá trị được áp dụng công nghệ cấy máy mạ khay. Ảnh: Thu Thủy

Năm 2022, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương có 5 sản phẩm OCOP được đánh giá lại và 3 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP. Kết quả, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP thành phố đánh giá 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao.

Cũng giá trị như sản phẩm gạo ruộng rươi, sản phẩm na bở Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Các khâu chăm bón cây na bở đều phải tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn, từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch.

Cây na bở là thứ cây truyền thống của người dân Thủy Nguyên được trồng rất nhiều trên vùng đất đồi núi của các xã trong huyện. Người dân hầu hết chỉ trồng một giống, không trồng lẫn, không lai tạp nên sản phẩm quả na bở rất đặc trưng.

Hải Phòng: Phân hạng hàng trăm sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2023 - Ảnh 3.

Sản phẩm na bở Liên Khê được UBND thành phố Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, trở thành cây kinh tế chủ lực, giúp hàng ngàn hộ dân các xã của huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) thu nhập cao, ổn định. Ảnh: Thu Thủy

Na bở khi chín da sáng trắng, mắt hồng, ăn vị ngọt thanh, có mùi thơm đặc trưng. Na bở đang là thứ quả đặc sản có giá trị và tốt cho sức khỏe.

Đến kỳ thu hoạch, nhiều quả bị kiến tha muội (tức rệp) lên cây, bám trắng trên kẽ quả na để hút dinh dưỡng. Thay vì phun trừ người dân trồng na sử dụng súng xịt bình nén khí để muội bắn ra khỏi các kẽ trên quả nên quả na luôn đảm bảo chất lượng an toàn, sạch sẽ.

Năm 2018, sản phẩm na bở Liên Khê được dán tem truy xuất nguồn gốc và hộp đóng gói đảm bảo chất lượng quả tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.

Từ đó đến nay, sản phẩm na bở của Liên Khê đã tiếp cận được thị trường các tỉnh thành phố và được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm.

Năm 2021, sản phẩm na bở trồng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên được UBND thành phố Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao. Sản được tiêu thụ rộng rãi khắp các tỉnh thành từ Quảng Bình đổ ra.

Clip: Anh Nguyễn Minh Tuyển thôn 8, Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) chia sẻ cách áp dụng máy xịt nén bình khí để bảo vệ quả na khi có rệp, rầy bám hút mật khi quả na gần thu hoạch. Thực hiện: Thu Thủy

Trao đổi cùng Dân Việt, ông Ngô Văn Giang – Phó Giám đốc HTX sản xuất Kinh doanh – Dịch vụ Nông nghiệp Liên Khê cho biết, cây na bở đang phát huy tốt vai trò của loại cây mũi nhọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở Liên Khê, giúp nhiều hộ nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Liên Khê.

Hiện, 1kg na bở loại trung bình từ 3- 4 quả/ kg, gia đình anh Tuyển đang bán với giá ổn định từ 90 – 100 nghìn/ kg tại ruộng. Trừ mọi chi phí 1 sào cũng thu về được 9 – 12 triệu đồng hơn nhiều lần cấy lúa và các loại cây trồng khác.

Hải Phòng: Phân hạng hàng trăm sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2023 - Ảnh 5.

Sản phẩm chả cá chày Đại Hợp được đóng gói, hút chân không, dán tem mác sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Ảnh: Thu Thủy

Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác cũng đang được đánh giá cao về chất lượng. Tiêu biểu như sản phẩm chả cá chày (xã Đại Hợp, Kiến Thụy). Đây là sản phẩm đặc trưng từ biển, được chế biến bằng phương pháp truyền thống, không sử dụng chất phụ gia trong quá trình sản xuất. Sản phẩm chả cá chày được nhiều tỉnh, thành trong cả nước biết đến.

Các thành viên trong tổ nghề sản xuất chả cá chày đã nhanh nhạy áp dụng công nghệ số. Lập fanpage quảng bá, bán hàng trên mạng. Nhờ đó, sản phẩm chả cá chày cũng khẳng định được chỗ đứng vững vàng trên thị trường cả nước, việc tiêu thụ khá thuận lợi, giá cả ổn định hơn

Số lượng sản phẩm OCOP Hải Phòng tiếp tục tăng

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, giai đoạn 2018-2023, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố đã đánh giá được 209 sản phẩm, cấp giấy chứng nhận cho 204 sản phẩm (57 sản phẩm 4 sao, 147 sản phẩm 3 sao) và 05 sản phẩm đang gửi Trung ương đánh giá 5 sao.

Tổng số sản phẩm OCOP còn hiệu lực của thành phố là 197 sản phẩm (số sản phẩm hết hiệu lực, chưa đánh giá lại là 07 sản phẩm).

Hải Phòng: Phân hạng hàng trăm sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2023 - Ảnh 6.

Trà xanh Núi Ngọc đang là sản phẩm OCOP nhiều sao nhất của Hải Phòng, không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn đủ điều kiện vươn ra thị trường quốc tế. Ảnh: ĐM

Số lượng chủ thể và sản phẩm OCOP tăng theo từng năm. Mỗi sản phẩm OCOP đều được gắn với các dư địa, tính đặc hữu của nông nghiệp các địa phương khác nhau. Chẳng hạn như vùng biển thuộc xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy có các sản phẩm đặc trưng từ biển như: mật ong rừng ngập mặn, chả cá chày hay cá mòi kho xã Kiến Quốc. Nước mắm Cát Hải, nước mắm Quang Hải là đặc sản của vùng biển thuộc huyện Cát Hải…

Các sản phẩm nổi bật như: Trà xanh Núi Ngọc, Đông trùng hạ thảo, Bột rau ta, Mật ong rừng ngập mặn… là những phản phẩm tiêu biểu được Hội đồng Trung ương đánh giá cao bởi chất lượng. Riêng Trà xanh Núi Ngọc đang là sản phẩm OCOP nhiều sao nhất của Hải Phòng, không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn đủ điều kiện vươn ra thị trường quốc tế.

Trà xanh Núi Ngọc được mọc trên ngọn núi thiêng đằng sau núi là dòng suối không bao giờ cạn, là nơi có địa thế độc đáo hiếm có ven biển Đồ Sơn. Tại đây có nhiều cây trà xanh cổ thụ không biết từ bao đời vẫn xanh tốt quanh năm, dù không qua quá trình chăm bón. Trà xanh ở đây bao đời nay được nuôi dưỡng từ mảnh đất màu mỡ trên Núi Ngọc ít ai động đến và dòng nước ngầm của suối Rồng.

Hải Phòng: Phân hạng hàng trăm sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2023 - Ảnh 7.

Công nhân đang hái lá chè xanh trên vùng trên Núi Ngọc, Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: ĐM

Với kinh nghiệm trồng trọt, thu hái, chế biến trà hàng trăm năm của người dân vùng biển Đồ Sơn đã tạo ra hương vị, giá trị riêng cho cây trà ở đây, được người dân và khách du lịch quốc tế yêu thích.

Hiện, Trà Núi Ngọc đang được xuất bán sang Mỹ tháng 9/2021. Đây là sản phẩm hữu cơ, được sản xuất với quy trình hiện đại để trà lưu giữ nguyên tinh chất gốc. Đơn hàng Trà Núi Ngọc xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải kiểm soát được chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000:2008 và buộc phải có giấy chứng nhận FDA của nước này.

Chính quyền vào cuộc quyết liệt

Thành công trong chương trình OCOP giai đoạn 2018 -2023, nằm ở sự quyết liệt của chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền đẩy mạnh sản xuất, đưa ra nhiều chính sách kịp thời, khích lệ, khen thưởng những sản phẩm được đánh giá 3 sao trở lên. Áp dụng giới thiệu sản phẩm trên báo chí, mạng xã hôi, facebook, tiktock…Liên tục tổ chức các hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm OCOP của Hải Phòng đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Ông Tăng Xuân Thọ - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết, việc thực hiện Chương trình OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực phát triển nông thôn Hải Phòng.

Theo đó, việc triển khai chu trình OCOP, bao gồm: tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án sản xuất kinh doanh; triển khai phương án sản xuất kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 6 nhóm gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, thủ công mỹ nghệ trang trí, dịch vụ du lịch và điểm du lịch cộng đồng.

Tiếp tục triển khai sâu rộng đến các thành phần kinh tế để nắm bắt chủ trương, kiến thức về bộ tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng sản phẩm, cũng như các bước trong quy trình đăng ký tham gia…

Hải Phòng: Phân hạng hàng trăm sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2023 - Ảnh 8.

Sản phẩm trứng gà ở Hợp tác xã Duy Nhất của anh Vình được UBND TP Hải Phòng chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Thu Thủy

Để nhanh chóng gia tăng số lượng sản phẩm OCOP ở nhiều nhóm ngành, thành phố Hải Phòng đang tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Sử dụng logo OCOP và hạng sao in ngay trên bao bì sản phẩm, quảng bá các sản phẩm OCOP qua các hội chợ tại thành phố và các địa phương bạn.

Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem