Hạn chế xe máy ngoại tỉnh: Chỗ đâu gửi xe trước khi vào nội đô?

Vinh Hải Thứ ba, ngày 20/09/2016 13:55 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng đề xuất về việc hạn chế xe máy mang biển kiểm soát ngoại tỉnh vào nội đô là không thực tế, bất hợp lý và thiếu nhân văn.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến cho dự thảo Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”.

Trong đó có đề xuất lộ trình hạn chế xe máy theo 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết vào năm 2020. Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội (biển kiểm soát ngoại tỉnh) vào khu vực nội đô Vành đai 1 từ 7 - 19 giờ hằng ngày, đồng thời mở rộng thời gian hạn chế xe máy trong khu vực phố cổ 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày.

img

Ảnh minh họa. Nguồn: Facebook Đào Ngọc Cương

Giai đoạn 2 dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng khu vực hạn chế ra khu vực phố cũ với thời gian cấm 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày vào năm 2023. Giai đoạn 3: đến năm 2025 mở rộng khu vực hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực trong Vành đai 3.

Đồng thời, hoàn thành Quy hoạch hệ thống các điểm trung chuyển, điểm, bãi đỗ xe và Quy hoạch vận tải đa phương thức nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân tiếp cận tốt nhất với hệ thống VTHKCC vào khu vực trung tâm TP.

Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết đã nhận được dự thảo đề án của Sở GTVT và đã gửi ý kiến đóng góp.

Đối với đề xuất về hạn chế xe máy cá nhân, ông Liên cho rằng: “Đến khi cấm phương tiện cá nhân của người dân thì phải trả lời được câu hỏi người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện gì. Bên cạnh đó, không có chế tài để xử phạt việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô”.

Theo phân tích của ông Liên, người các địa phương khác lên Hà Nội để học tập, sinh sống, phải có phương tiện đi lại. Nếu cấm xe địa phương thì họ  mua xe biển Hà Nội để đi. Bên cạnh đó, nếu cấm xe máy biển ngoại tỉnh đi vào nội đô từ vành đai 1 thì người dân lấy chỗ nào để gửi xe. 

“Như ở Singapore, mỗi sáng có hàng vạn người Malaysia sang làm việc thì có bãi xe rộng như sân vận động. Ở mình có bãi xe vào đâu bây giờ? Đặt ra như thế là không khả thi” – ông Bùi Danh Liên kết luận.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Việc cấm xe máy phải phụ thuộc vào tốc độ phát triển của giao thông công cộng. Khi người dân đã mua xe rồi, giao thông công cộng chưa phát triển kịp mà lại cấm là không hợp lý”.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, để xe máy phát triển tăng số lượng đến như vậy có lỗi của cơ quan chức năng khi hệ thống giao thông công cộng không phát triển kịp với nhu cầu của người dân.

Đặt ra vấn đề cấm xe máy của người dân ngoại tỉnh lại càng không hợp lý vì can thiệp đến việc thông thương bình thường.

“Giao thông là mạch máu lưu thông nuôi nền kinh tế, bây giờ anh chặn người ta lại thì làm sao phát triển được. Thêm nữa là ảnh hưởng đến công việc của hàng triệu người lao động. Bây giờ giao lưu khắp cả nước rồi mà lại định ngăn cấm kiểu như thế là rất bất hợp lý, thiếu nhân văn” – ông Nguyễn Xuân Thủy cho hay.

Ông Thủy dẫn lại câu chuyện ở Hà  Nội người dân nhờ người đứng tên biển số Hà Nội, rất lộn xộn.

Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Khi đưa ra chính sách như vậy, người dân đưa ra đối sách khác để họ phải có xe đi làm ăn. Không nên để người dân phải phản ứng như thế, gây bức xúc khó khăn cho người dân thêm. Làm gì thì làm cũng phải dựa vào dân, đảm bảo cuộc sống bình thường, không nên hạn chế quyền đi lại của người dân”. 

Trong khi đó, ông Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị tư vấn thực hiện đề án cho Sở GTVT Hà Nội) khẳng định chưa có kiến nghị chính thức về việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô Hà Nội.

Ông Mười cho hay: “Thực tế, trong lộ trình quản lý và hạn chế phương tiện cá nhân, đơn vị có đề xuất một giải pháp là hạn chế phương tiện ngoại tỉnh với sinh viên và công nhân các khu công nghiệp, thời gian đề xuất thực hiện từ năm 2025 - 2030. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang trong thời gian xin ý kiến”.

Theo ý kiến của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hai đối tượng trên dễ quản lý nhất và dễ chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng vì tần suất nhu cầu sử dụng đều, không đổi, ít phát sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem