Háo hức về Kinh Bắc

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 03/12/2015 06:46 AM (GMT+7)
Từ xa xưa, những người dân tộc Mông, Tày, Nùng ở Bắc Hà (Lào Cai) cùng những chiến mã nhiều đời nay chỉ biết tới mây vờn, gió thổi, người và ngựa hiên ngang trấn ải góc đỉnh trời Tây Bắc một thời. Nay, lần đầu tiên về miền quan họ, đối với họ thực sự là trải nghiệm.
Bình luận 0

Cõng ngựa vượt núi

Để có một vé đi Kinh Bắc, 32 kỵ sĩ và chiến mã của họ đã có một vòng sơ loại vô cùng căng thẳng. Do vậy, nhận được tin đến ngày đưa ngựa về Bắc Ninh, ai cũng đến rất đúng giờ và khá háo hức. Chủ ngựa Sùng Sèo Sù, xã Tả Van Chư chia sẻ: “Tôi dậy từ sớm, cho ngựa ăn thêm ngô, cỏ và chuẩn bị sức khỏe cho ngựa Mã Anh Tài của mình. Người Mông chúng tôi chỉ biết nương và núi, chứ chưa được đi xa bao giờ nên cũng lo nhưng háo hức lắm”.

img

Sự phấn khởi của kỵ sĩ khi đưa ngựa về Bắc Ninh tranh tài . Ảnh: Hữu Thọ

Là người có nghề và hiểu biết về ngựa, sống với ngựa từ  nhỏ nên Vàng Văn Quyết- người được mệnh danh là “Độc cô cầu bại” của Bắc Hà (Lào Cai) với chiến mã Hắc Toàn Phong. Dù cật lực giúp Ban tổ chức đưa ngựa lên ô tô, nhưng phải mất gần 2 giờ  đánh vật với 32 ngựa đua mới kéo được những chiến mã lên xe.

Chia sẻ với chúng tôi, Quyết bộc bạch: Ngựa là giống vật nuôi khá bạo dạn với người, nhưng lại rất tinh khôn và nhạy cảm. Ngựa nào cũng thích được vỗ về, nếu muốn bảo được ngựa, phải cầm chặt dây cương sát miệng, tay bám chặt bờm đằng trước để ngựa không bị giật mình. Sau đó từ từ kéo ngựa lên cầu thang mới đưa được ngựa lên xe tải. Khi đưa ngựa lên xe, phải buộc rất cẩn thận, nếu buộc chặt quá thì xe chạy phanh gấp đường xóc, ngựa sẽ bị xây xát ảnh hưởng đến bước chạy khi vào cuộc đua, còn lỏng quá để ngựa trên xe dễ cắn nhau. Chính vì vậy làm cái công tác “cõng ngựa” về xuôi này cũng hết sức gian nan chứ không hề đơn giản một chút nào.

Vất vả mà vui

"Chúng tôi người Tày, chỉ biết câu si, câu lượn. Ở trên này, thỉnh thoảng đi giao lưu văn nghệ thì biết thêm dân ca Mông, nhưng từ nhỏ, chúng tôi đã được nghe đài, biết về dân ca quan họ Bắc Ninh”.

Thèn Văn Trường

Đoàn người ngựa từ Bắc Hà hành quân về thành phố Bắc Ninh mất gần 10 giờ đồng hồ. Tuy đã có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Nội Bài - Bắc Ninh, nhưng chở ngựa phải từ tốn, nhẹ nhàng nên quãng đường gần 500km  là thử thách không hề đơn giản.

Lần đầu tiên đến Bắc Ninh, chủ ngựa Thèn Văn Trường ở xã Na Hối chia sẻ: “Chúng tôi người Tày, chỉ biết câu si, câu lượn. Ở trên này, thỉnh thoảng đi giao lưu văn nghệ thì biết thêm dân ca Mông, nhưng từ nhỏ, chúng tôi đã được nghe đài, biết về dân ca quan họ Bắc Ninh. Tôi tưởng tượng,  ở xứ sở đó rất xa, liền anh, liền chị rất duyên. Bây giờ, rất mừng vì tôi được về  miền quan họ để giới thiệu đặc sản đua ngựa Bắc Hà quê tôi. Không những vậy, tôi lại được gặp, thăm hỏi những người dân miền quê quan họ, vui lắm! Có ngủ mơ tôi cũng chẳng nghĩ  mình lại có cơ hội giao lưu văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thế này.  Mệt thì có mệt nhưng vui".

Ngay sau khi những chú ngựa di chuyển tới sân vận động Bắc Ninh, kỵ sĩ Giàng Seo Dung đã tìm cách xoa bóp, khởi động cho tuấn mã Đại Sơn Vương của mình. Anh nói: “Đi xa, ngựa đứng chùn chân, phải dùng tay xoa bóp để ngựa khỏi tụ máu, gân cốt mới chắc mà bung sức. Sân vận động Suối Hoa (Bắc Ninh) đẹp hơn trên huyện mình, lại có khán giả nữa. Tôi khẳng định, khán giả Bắc Ninh nhiệt tình như Bắc Hà, ngựa chúng tôi chạy sung phải biết để khỏi phụ lòng mong đợi của khán giả”.

Tuy lần đầu phải xa nhà, nhưng các kỵ sĩ và ngựa đua đều chung một niềm tin: Thi đấu hết mình tại miền quê quan họ, để những vó ngựa  được tung bay  hết mình theo tiếng hò, reo tán thưởng của những liền anh, liền chị nơi xứ Kinh Bắc. 

Phó Chủ tịch huyện Bắc Hà Thào Seo Cấu kỳ vọng hội đua ngựa sẽ giúp quảng bá hình ảnh vùng cao. Clip: Xuân Lực

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem