|
Đàn heo khoẻ mạnh ở trại heo Kim Long. |
Đến trại nuôi heo Kim Long ở xã Bàu Bàng, huyện Bến Cát, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn con heo nuôi tại đây chưa bị hề hấn gì dù trang trại đang nằm trong vùng dịch tai xanh. Ông chủ trại heo Tư Kim khẳng định: “Tại các trại chăn nuôi của công ty tôi và các công ty chăn nuôi lớn khác, dịch bệnh vẫn chưa xảy ra.
Một số khách hàng vẫn tin tưởng đặt hàng chúng tôi. Điều này cho thấy, nếu heo được chăn nuôi với quy trình vệ sinh chặt chẽ, được tiêm phòng hợp lý sẽ rất ít xảy ra dịch bệnh”. Để tiếp cận được các trại nuôi heo này vào thời điểm hiện nay là việc làm không hề dễ. Bởi các chủ trại heo lo ngại mầm bệnh sẽ lây lan cho đàn heo sạch của họ, nên có lệnh cấm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Trại nuôi heo Kim Long vốn đã nằm cách xa khu dân cư, ít người qua lại. Nhưng việc ra vào chuồng heo vẫn phải qua rất nhiều cửa. Chỉ có nhân viên nuôi heo hay chăm sóc thú y mới được vào.
Mặc dù dịch bệnh heo tai xanh còn bùng phát ở một vài địa phương, nhưng chủ trương của ngành vẫn cho heo xuất bán ra thị trường. Tuy nhiên, heo trước khi xuất bán ra thị trường chủ trang trại phải gửi mẫu xét nghiệm và đạt kết quả âm tính mới được bán.
Ông Tạ Trọng Khang - Phó chi cục Trưởng thú y Bình Dương
Các nhân viên chăm sóc heo phải thường xuyên sát trùng, tắm rửa trước khi vào chuồng cho heo ăn. Nhờ vậy, đàn heo nuôi trong các trang trại lớn trên vẫn đảm bảo an toàn.
Các trang trại khác trong vùng như Bông Sang, CP, Đất Việt… cũng đều áp dụng kỹ thuật chăn nuôi heo khép kín, nên đàn heo phát triển tốt và không có dịch bệnh xảy ra.
Trong khi đó, tính đến chiều 23 - 8, tại Bình Dương đã có hơn 10.000 con heo bị bệnh tai xanh, gần 5.000 con bị tiêu huỷ. Trên thực tế, đa số các ổ dịch xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Mặt khác, chính tâm lý chủ quan, không hợp tác với chính quyền, giấu bệnh của người dân đã làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Qua đánh giá của cơ quan thú y, tình hình dịch bệnh xảy ra một cách nhanh chóng và lây lan rộng trong thời gian ngắn là do người chăn nuôi chưa ý thức cao trong công tác phòng bệnh, chưa thấy được mức độ thiệt hại nghiêm trọng của loại dịch bệnh này nên còn lơ là, chủ quan.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú ý đến vấn đề vệ sinh chuồng trại, công tác tiêm phòng cho heo khỏe; công tác điều trị, chăm sóc cho số heo bệnh cũng chưa thực sự hiệu quả. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi nhỏ chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải, chất thải một cách hợp lý, bảo đảm yêu cầu. Thậm chí khi đã biết heo bị nhiễm bệnh người nuôi vẫn bán cho các thương lái nhằm tận thu.
Về việc này, ông Tạ Trọng Khang - Phó Chi cục Trưởng thú y Bình Dương cho hay: Bình Dương đã triển khai vùng an toàn dịch bệnh cho đàn heo và có hơn 20 trang trại lớn đăng ký tham gia. Việc các trang trại chủ động khâu phòng ngừa, khử trùng, tiêu độc thường xuyên trong chăn nuôi là khâu quan trọng hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Lộc Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.