Hộ khẩu và công dân hạng hai

Thứ bảy, ngày 21/12/2013 12:28 PM (GMT+7)
Vụ hành hạ trẻ mầmnon ở TPHCM đã gây chấn động dư luận. Lãnh đạo TPHCM đã phải thốt lên “chấn động lắm!” Sở Giáo dục cũng nhận ra những sơ hở trong quản lý của mình.
Bình luận 0
Chị Bùi Thanh Lệ, một công nhân nhập cư làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, có con nhỏ và do không có hộ khẩu, không tiếp cận được với các dịch vụ cơ bản mà lẽ ra chính quyền phải cung cấp cho dân, nên chị phải gửi cơ sở mầm non tư thục Phương Anh và con chị đã bị hai “bảo mẫu” hành hạ.

img

Chuyện này chỉ là một trường hợp nổi bật trong muôn vàn hiện tượng tương tự khiến người công dân nhập cư bị đối xử như công dân hạng hai.

Chế độ hộ khẩu ở Việt Nam là chế độ quản lý người dân khá đặc thù. Nó làm cho công việc quản lý của nhà chức trách (công an) được dễ dàng, nhưng nó gây rất nhiều phiền phức, khó khăn cho người dân. Một thời việc mất hộ khẩu gần tương tự với sự khai tử vì mất hộ khẩu là con người hầu như không được phép tồn tại.

Mọi thứ, mọi dịch vụ công, đều gắn với nó: Chỗ ở, việc làm, việc ăn học của trẻ, thậm chí việc đi lại và tự do của chính mình, không chứng minh được là có hộ khẩu có thể bị sách nhiễu, thậm chí bị bắt. Chính sách về hộ khẩu đã được cải thiện, nhưng vẫn thấm đậm tư duy để phục vụ việc quản lý dễ dàng cho nhà chức trách, chứ không đặt việc đảm bảo các quyền của người dân lên hàng đầu. Và đấy không chỉ là tư duy phổ biến liên quan đến hộ khẩu mà đến nhiều quy định khác của Nhà nước.

Nông dân phải bỏ ruộng, tìm đường ra thành phố kiếm ăn, trở thành công nhân trong các khu công nghiệp. Họ bị chế độ hộ khẩu biến thành các công dân loại hai. Không có hộ khẩu, họ không thể tiếp cận được đến hàng loạt dịch vụ công, chẳng hạn như giáo dục, mà luôn có quy định phải có hộ khẩu. Lẽ ra nhà chức trách phải lấy phục vụ dân là chính, chấp nhận phần khó trong việc quản lý về mình, thì họ làm ngược lại, phần khó đổ cho dân.

Lẽ ra họ phải chăm lo phát triển hạ tầng xã hội như trường học, chỗ vui chơi, các dịch vụ thì họ lại phó mặc cho thị trường hoặc đẩy cho xã hội qua cái gọi là “xã hội hóa”. Việc huy động xã hội tham gia vào việc cung ứng dịch vụ là cần thiết, nhưng có những việc Nhà nước không thể buông. Giáo dục là lĩnh vực như vậy. Hiến pháp hiện hành còn buộc Nhà nước phải cam kết giáo dục tiểu học miễn phí, và 10 ngày nữa với Hiến pháp sửa đổi cam kết đó không còn trong Hiến pháp nữa!

Hy vọng vụ hành hạ trẻ em gây chấn động này sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh các nhà hoạch định chính sách, để họ cẩn trọng, lắng nghe ý kiến nhiều chiều khi quyết định chính sách.

Nguyễn Quang A (Nguyễn Quang A)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem